10:25 16/03/2007

Thời gian thẩm định dự án xây dựng không quá 40 ngày

Thanh Vân

Theo Bộ Xây dựng, thời gian thẩm định dự án đối với dự án xây dựng nhóm A sẽ không quá 40 ngày làm việc

Khi áp dụng hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì chủ đầu tư phải thành lập ban quản lý dự án - Ảnh: Việt Tuấn
Khi áp dụng hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì chủ đầu tư phải thành lập ban quản lý dự án - Ảnh: Việt Tuấn
Bộ Xây dựng vừa ra Thông tư số 02/2007/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án, giấy phép và tổ chức quản lýdự án đầu tư xây dựng công trình.

Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập và gửi hồ sơ dự án tới đơn vị đầu mối thẩm định dự án để tổ chức thẩm định trước khi trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt.

Trong đó, thời gian thẩm định dự án đối với dự án nhóm A không quá 40 ngày làm việc, trong đó thời gian thẩm định thiết kế cơ sở không quá 20 ngày làm việc. Đối với dự án nhóm B, thời gian thẩm định không quá 30 ngày làm việc, dự án nhóm C không quá 20 ngày làm việc.

Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì chủ đầu tư phải là một trong các cơ quan Bộ, ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các ơ quan khác ở Trung ương, UBND các tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp Nhà nước.

Đối với các dự án do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cấp Bộ, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư thì người quyết định đầu tư giao cho đơn vị quản lý, sử dụng công trình làm chủ đầu tư.

Thông tư cũng nêu rõ, trường hợp dự án không có trong quy hoạch ngành hoặc không phù hợp với quy hoạch ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải báo cáo Bộ quản lý ngành; Bộ quản lý ngành có trách nhiệm xem xét, bổ sung quy hoạch theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Còn trong trường hợp dự án không có trong quy hoạch xây dựng hoặc chưa có quy hoạch xây dựng thì trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải báo cáo UBND cấp tỉnh để được xem xét chấp thuận về vị trí, quy mô, tổng mặt bằng của dự án; đồng thời UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều chỉnh hoặc lập quy hoạch xây dựng theo quy hoạch.

Riêng đối với các dự án sử dụng vốn ODA, việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Riêng thẩm quyền và nội dung thẩm định thiết kế cơ sở được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Trường hợp điều ước quốc tế về ODA đã được ký kết giữa Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế. Đối với dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, chủ đầu tư tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng công trình, làm các thủ tục trình duyệt dự án và triển khai thực hiện các bước tiếp theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định 16/CP, Nghị định 112/CP và hướng dẫn của thông tư này.

Khi áp dụng hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì chủ đầu tư phải thành lập Ban quản lý dự án, trừ trường hợp dự án có quy mô nhỏ, đơn giản có tổng mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng.