22:20 17/06/2009

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói về tăng trưởng tín dụng 2009

Minh Đức

Sáng 17/6, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã có một cuộc trao đổi cởi mở với báo chí

"Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm nay hoàn tác khác năm 2007. Năm 2007, bắt nguồn từ cung ứng tiền của chúng ta mua lượng ngoại tệ FII... Năm nay, mặc dù chống suy giảm nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn quản lý chặt chẽ cung tiền - Ảnh: Minh Đức.
"Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm nay hoàn tác khác năm 2007. Năm 2007, bắt nguồn từ cung ứng tiền của chúng ta mua lượng ngoại tệ FII... Năm nay, mặc dù chống suy giảm nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn quản lý chặt chẽ cung tiền - Ảnh: Minh Đức.
Sáng 17/6, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã có một cuộc trao đổi cởi mở với báo chí.

Câu chuyện lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ lãi suất… được đề cập đến trong cuộc trao đổi này, trong đó nổi bật là những thông tin phân tích và định hướng về tăng trưởng tín dụng năm nay.

Ông Giàu nói:

- Đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng chính thức của chúng ta là tăng 14,01% so với cuối năm 2008. Chỉ tiêu công bố đầu năm là 21% - 23%, ý của Chính phủ phấn đấu tăng 25%.

Nhưng vừa qua, sau khi tính toán vòng quay tín dụng trong điều kiện kinh tế suy giảm có chậm hơn thời gian bình thường, nhiều lần chúng tôi đã báo cáo và Chính phủ đã thống nhất năm 2009 kiểm soát tăng trưởng tín dụng không quá 30%.

Nhân đây tôi cũng xin báo lại rằng tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm nay hoàn toàn khác năm 2007. Năm 2007 bắt nguồn từ cung ứng tiền của chúng ta mua lượng ngoại tệ FII (đầu tư gián tiếp nước ngoài - PV). Năm 2007, tăng cung tiền khiến khối lượng tiền ra, tạo vòng quay lớn hơn khiến huy động cho vay lớn hơn. Năm nay, mặc dù chống suy giảm nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn quản lý chặt chẽ cung tiền, cũng như tôi báo cáo trước phiên chất vấn Quốc hội. Đến  thời điểm cuối tháng 5 mới thực hiện có 43% chỉ tiêu Chính phủ  phê duyệt. Đến thời điểm này vẫn còn xấp xỉ còn 40%. Quản lý cung tiền là rất chặt chẽ.

Mặt khác, điều hành chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, nhưng chúng tôi nới lỏng một cách thận trọng và phù hợp với chính sách vĩ mô, chứ không phải nới lỏng là tung một lượng tiền ra để tác động mạnh mẽ cho thị trường.

Luồng tiền "chưa có gì bất ổn"

Vậy Ngân hàng Nhà nước kiểm tra các luồng tiền liên quan đến tăng trưởng tín dụng năm nay như thế nào?

Với quy chế quản lý của chúng ta mà đã áp dụng từ năm 2001 đến nay, đây là một chế độ tín dụng tương đối chuẩn mực, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Các tổ chức tín dụng có trách nhiệm kiểm soát hoạt động tín dụng của mình trên tinh thần quy chế này.

Chúng tôi thấy diễn biến tăng trưởng tín dụng vừa rồi chịu tác động mạnh mẽ nhất từ gói hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, chúng ta cũng mở ra một hướng là cho vay thỏa thuận đối với một số đối tượng tiêu dùng và cho vay phát hành thẻ...

Tóm lại, luồng tiền theo kiểm soát quy chế tôi thấy chưa có gì bất ổn. Chúng tôi đã tiến hành một đợt kiểm tra diện rộng, bắt đầu từ ngày 11/6, đối với 3 khu vực: thực hiện hỗ trợ lãi suất, an toàn hệ thống và quản lý Nhà nước về ngoại hối.

Hôm qua (16/6), Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tự kiểm tra về hoạt động cho vay lãi suất thỏa thuận, đặc biệt cho vay tiêu dùng và cho vay phát hành thể.

Chiều nay tôi có quyết định mới, để Thống đốc và các phó thống đốc đi kiểm tra các đoàn kiểm tra. 6 người sẽ kiểm tra 32 tỉnh. Phải làm để đảm bảo hiệu quả.

"Dư nợ cho vay bất động sản cuối tháng 5 là 151 ngàn tỷ đồng"

Về tăng trưởng tín dụng năm nay, Thống đốc đánh giá thế nào về yếu tố rủi ro?

Chúng ta phải xem, đến cuối tháng 4, nợ xấu là 2,62% tổng dự nợ, so với đầu năm có tăng một ít (2,17%), nhưng bức tranh này đánh giá chưa có hiện tượng nào đáng lo ngại. Các hoạt động tín dụng, dịch vụ khác đều chưa có dấu hiệu bất ổn.

Thống đốc nói gì về hoạt động cho vay đầu tư bất động sản?

Tôi không giấu gì các bạn, dư nợ cho vay bất động sản cuối tháng 5 là 151 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, có tăng lên nhưng vẫn tăng chậm hơn tổng dư nợ chung.

Dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán là gần 7.200 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 4% là không cao.

Dư nợ cho vay tiêu dùng là 85 ngàn tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm. Hơi nhanh, nhưng tất cả những dư nợ nhạy cảm đều thấp hơn tốc độ tăng dự nợ chung cả nước.

Thế còn với cho vay đầu tư chứng khoán, thưa Thống đốc?

Khống chế chung của Quyết định 03 là cho vay chứng khoán không quá 20% vốn điều lệ. Đến nay chưa có trường hợp nào vi phạm cả, hoạch toán còn thấp. Nhưng có chuyện vay cho các đối tượng khác có chảy qua chứng khoán không thì bây giờ ta phải kiểm tra và phát hiện.

Nếu ai phát hiện cá nhân nào, xin báo với chúng tôi, tôi hứa với các bạn Ngân hàng Nhà nước sẽ làm minh bạch.

Còn vấn đề họ không có tiền chơi chứng khoán nhưng người ta đủ điều kiện để vay ở ngân hàng thì không lẽ mình từ chối người ta?

"Tăng trưởng tín dụng cần ở mức hợp lý"

Thống đốc nhận định thế nào về diễn biến của lãi suất huy động VND trên thị trường hiện nay?

Lãi suất đã lên trên 9%. Về mặt lãi suất thì không khống chế lãi suất huy động. Thường thì Hiệp hội Ngân hàng có thỏa thuận để thực hiện mức nào cho vừa. Nhưng sau khi chúng ta thực hiện lãi suất cơ bản thì Hiệp hội cũng không còn mặn mà chuyện này nữa, vì không cần nữa.

Vấn đề hiện nay là lãi suất lên cao đã có nguy cơ gì chưa? Thì không có gì. Chúng ta mở cho vay tiêu dùng và đang tăng rất nhanh, phổ biến cho vay 14% - 15%/năm, ngân hàng lớn cho vay 11%/năm. Đứng ở bình diện nào đó thì tỷ lệ này đứng ở mức thấp, không ảnh hưởng nhiều đến tài chính. Tuy nhiên tôi thấy có hai ngân hàng đi trước hơn bình thường. Đây là hai ngân hàng nhỏ và uy tín trên thị trường chưa lớn. Tôi đã chỉ đạo kiểm tra toàn bộ.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có chỉ thị, trong đó có yêu cầu tăng cường kiểm tra các bàn thu đổi ngoại tệ. Thống đốc có thể cho biết việc kiểm tra này đang tiến hành như thế nào?

Chúng tôi vẫn kiểm tra thường xuyên, nhưng việc phát hiện một người trốn tránh pháp luật cũng có cái khó. Ta hy vọng từ 1/7, khi nghị định xử phạt về vấn đề thương mại của Bộ Công Thương có hiệu lực thì quản lý thị trường sẽ vào cuộc. Ngày 25/5 vừa qua, hai bên đã ngồi bàn và sẽ mạnh tay trong việc này. Chúng tôi cũng đã tham mưu Thủ tướng về văn bản.

Liên quan đến khả năng lạm phát tăng mạnh trở lại, Thống đốc có định hướng gì không?

Lạm phát là vấn đề rất lớn của quốc tế và trong nước, không được xem nhẹ. Quốc tế đang nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ. Chúng ta tiếp tục theo dõi những biến động khó lường của thế giới. Diễn biến giá dầu là chiều tác động mạnh đến nền kinh tế, vì đây là yếu tố chi phí, nâng giá anh này thì tất cả cái khác đều nâng.

Còn bên trong tất cả những chính sách tài khóa, tiền tệ, mậu dịch, xuất nhập khẩu, thị trường giá cả đều phải sẵn sàng. Trong  đó có hai yếu tố quan trọng là tất cả đầu tư phải hiệu quả, đúng chỗ, đúng mục đích, kể cả đầu tư tín dụng là đầu tư công của Chính phủ. Bởi vì mất cân đối vĩ mô sẽ ảnh hưởng tới tất cả mọi người.

Chỗ nào thấy làm sai, cứ phản ánh, chúng tôi sẽ xử lý. Xử một nơi thì có tính răn đe, xử một dự án thì các dự án khác phải xem lại. Một bài học trong chống lạm phát là nếu chúng ta không quản lý tốt thì tin đồn làm ảnh hưởng tâm lý người dân, làm méo mó diễn biến cung cầu.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cần ở mức hợp lý; nếu hiệu quả sẽ góp phần tăng trưởng GDP, nhưng nếu tăng trưởng quá mức đồng thời không hiệu quả là phát sinh nợ xấu.

"Hỗ trợ lãi suất trên diện rộng đúng là chưa có tiền lệ"

Về chính sách hỗ trợ lãi suất, theo Thống đốc, đâu là những vấn đề cần chú ý?

Đến giờ này việc hỗ trợ lãi suất trên diện rộng đúng là chưa có tiền lệ ở Việt Nam và trên thế giới. Chúng ta hỗ trợ thông qua toàn bộ hệ thống ngân hàng. Chủ trương hỗ trợ lãi suất của Việt Nam trong điều kiện hiện nay là phù hợp.

Cuối năm 2008, khi tâm lý kinh doanh “uể oải”, Chính phủ đã quyết định chúng ta phải làm một cái gì đó để tạo được hiệu ứng. Đầu vào đã giảm rồi, cộng với hỗ trợ lãi suất để hỡ trợ doanh nghiệp. Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước làm. Doanh nghiệp được nhưng ngân hàng sẽ vất vả và tốn chi phí hơn. Toàn bộ các chế độ liên quan là công khai minh bạch. Khi nền kinh tế ổn định thì ngân hàng tồn tại, đó là cái được.

Về gói thứ hai, khi thấy nền kinh tế có dấu hiệu dừng suy giảm và có dấu hiệu đi lên, chúng tôi tính toán dự nợ lên đến 70 ngàn tỷ trong năm nay. Gói thứ nhất giải ngân hơn 300 ngàn trên tổng số 583 ngàn, nó lan tỏa vào chiếm 55%. Gói thứ hai đến cuối tháng 5 được được 14 ngàn tỷ, đã được 21%. Riêng gói ngắn hạn có thể không đến.

Về hỗ trợ lãi suất nói chung, thời gian vừa qua nền kinh tế đã phục hồi, nếu hỗ trợ nữa sẽ làm méo mó kinh tế thị trường. Và lãi suất chỉ là một phần thôi, nó là một chính sách mà Nhà nước có thể hỗ trợ được.

"Sức ép cung cầu ngoại tệ cơ bản là không lớn"

Gần đây nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến cung cầu trên thị trường ngoại hối. Thống đốc có thể cho biết những định hướng trong vấn đề này?

Nghị quyết Chính phủ tháng 5 có hai số liệu quan trọng: quản lý lạm phát 6,7% so với năm 2008; và cực kỳ quan trọng là nhập siêu không quá 20%  kim ngạch xuất khẩu, so với năm ngoái 28% là 18 tỷ USD. Như vậy sức ép cung cầu ngoại tệ cơ bản là không lớn.

Tháng 5 mới nhập siêu có 1,1 tỷ USD. Bộ Công Thương cam kết hoàn toàn chủ động đảm bảo nhập siêu không quá 20%. Nếu tách ra chỉ riêng thâm hụt thương mại dưới 20% là 10 tỷ USD thì các bạn biết chỉ cần kiều hối đã bù đắp cơ bản. Năm rồi 7 tỷ USD, năm nay dự báo giảm 20% thì còn khoảng 5,6 tỷ USD. Kể cả giải ngân FDI năm ngoái là 10 tỷ USD, đầu năm đến nay là 2,8 tỷ USD. Kiều hối đầu năm vẫn về hơn 2,7 tỷ USD, không phải là nhỏ.

Tôi khẳng định không có phá giá đồng tiền. Tôi khẳng định không mở biên độ, không thay đổi chính sách tỷ giá, vì tất cả diễn ra đều tốt nên tôi đã nhiều lần khẳng định như thế.