Thông suốt dặm dài đất nước: Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc
Việc kết nối đồng bộ trên hành lang Bắc - Nam, đặc biệt là kết nối về hạ tầng giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng
44 năm sau ngày Tổ quốc thống nhất, những người chèo lái con tàu đất nước vẫn không ngừng nỗ lực để cho thành tựu của sự phát triển được thông suốt dặm dài mảnh đất hình chữ S. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam và hàng loạt các dự án phát triển kinh tế - xã hội đang được Quốc hội, Chính phủ đẩy nhanh tiến độ...
Nhu cầu cấp thiết
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam qua gần thập kỷ im ắng sau lần bị Quốc hội từ chối thông qua vào mùa hè năm 2010, nay chính thức ra mắt trở lại với yêu cầu của Chính phủ đối với Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức xin ý kiến toàn dân về dự án này. Quốc hội hiện cũng mở đường cho dự án này ra mắt nghị trường vào thời gian tới.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hành lang Bắc - Nam kết nối 2 trung tâm kinh tế, chính trị lớn Hà Nội và Tp.HCM, đi qua 20 tỉnh/thành phố (chiếm 61% GDP cả nước), có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Việc kết nối đồng bộ trên hành lang Bắc - Nam, đặc biệt là kết nối về hạ tầng giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trong những năm qua, các phương thức vận tải trên hành lang Bắc - Nam chưa được khai thác và kết nối cân đối, đồng bộ (vận tải đường bộ, hàng không quá tải, vận tải đường thủy chưa phát huy được hiệu quả vốn có, vận tải đường sắt lạc hậu...) dẫn đến chi phí vận tải tăng cao, báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường và gia tăng tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại và chất lượng cuộc sống của người dân.
Dự báo nhu cầu vận tải cho thấy, trong tương lai, năng lực vận tải trên hành lang Bắc - Nam sẽ thiếu hụt lớn nếu chỉ đầu tư vào vận tải đường bộ, hàng không và đường biển theo quy hoạch. Để phân bố lại nhu cầu vận tải trên toàn tuyến và bù đắp năng lực thiếu hụt nêu trên cần có một phương thức vận tải mới với độ an toàn tin cậy cao, sức chuyên chở hành khách lớn, tốc độ nhanh, thân thiện với môi trường.
Phương thức vận tải này phải đáp ứng yêu cầu về khả năng kết nối hài hòa giữa các loại hình vận tải; thúc đẩy quá trình tái cấu trúc đô thị và phân bố lại dân cư, lao động trên hành lang Bắc - Nam; mang lại cơ hội đầu tư, phát triển các ngành sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và góp phần giải quyết nhu cầu việc làm; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chính phủ khẳng định, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là hết sức cần thiết. Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải và các tổ chức tư vấn đã nỗ lực thực hiện việc nghiên cứu dự án; đã xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và người dân, thu thập thêm kinh nghiệm các nước đã và đang phát triển đường sắt tốc độ cao để có đủ cơ sở hoàn thiện dự án và tạo sự đồng thuận cao đối với việc đầu tư dự án.
Từ năm 2007 đến năm 2010, Chính phủ đã giao Tổng công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư để nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nghiên cứu này được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua; Ban Chấp hành Trung ương tán thành về chủ trương. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII (tháng 6/2010), Chính phủ đã không thể thuyết phục được Quốc hội, mặc dù khi đó đăng đàn trả lời chất vấn, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, "chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam".
Gần 10 năm đã trôi qua, với khát vọng không nguôi nối gần hơn nữa hai miền Nam - Bắc, cả Chính phủ và Quốc hội lại sẵn sàng cho việc chính thức tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Về phía Quốc hội, đoàn khảo sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đã có các cuộc làm việc với Công ty cổ phần xe lửa Gia Lâm và Tổng công ty đường sắt Việt Nam, là những bước chuẩn bị đầu tiên của Quốc hội, nhất là về tư duy chiến lược, để thẩm tra dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tham gia đoàn khảo sát và từng là đại biểu Quốc hội rất ủng hộ dự án trong lần trình Quốc hội vào thời điểm gần 10 năm trước, TS.Trần Văn có nhiều cảm xúc về triển vọng rất lớn của ngành đường sắt, với lịch sử phát triển hơn một trăm năm và đang chuẩn bị xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, của một đất nước với gần 100 triệu dân và có địa hình trải dài từ đỉnh Lũng Cú đến mũi Cà Mau. Ông Văn tin rằng, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam lần này sẽ được xây dựng thành công.
"Tận chân trời mây núi có chia đâu"
Khát vọng cháy bỏng Tổ quốc thống nhất luôn ngự trị trong trái tim người Việt, nhất là những thế hệ từng đi qua khói lửa chiến tranh. Trong bài thơ "Nói chuyện với sông Hiền Lương" viết năm 1959, nhà thơ Tế Hanh, "rút ruột" cho khát vọng này bằng câu thơ da diết, "tận chân trời mây núi có chia đâu". Ngày 30/4/1975 trở thành một thời khắc không thể nào quên trong lịch sử dân tộc.
Để Bắc - Nam sum họp một nhà, ngay từ thời khắc đầu tiên hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước đã dốc lực phát triển giao thương giữa hai miền của Tổ quốc. Trong khi đường sắt, đường bộ và đường hàng không chưa kịp và chưa có điều kiện hoạt động thì đường biển đã thực hiện phương châm "địch rút tới đâu, đường biển vươn tới đó".
Chỉ 13 ngày sau khi Tổ quốc ca khúc khải hoàn thống nhất, đã có chuyến tàu đầu tiên nối liền bờ biển hai miền Bắc - Nam. Ngày 13/5/1975, 541 người con miền Nam trở về quê hương sau 21 năm tập kết ra Bắc trên con tàu mang tên Sông Hương.
Toàn tuyến trục dọc "xương sống" của đất nước là Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cần Thơ.
Tàu Sông Hương là con tàu đẹp nhất, lớn nhất, hiện đại nhất của Việt Nam lúc bấy giờ. Tàu có trọng tải 10.000 DWT, được Bộ Giao thông - Vận tải và Cục Đường biển đồng ý tiến hành mua vào đầu năm 1974. Trong một chuyến đi Nhật Bản cách đây gần 30 năm, tàu Sông Hương gặp bão, va phải đá ngầm, vĩnh viễn nằm lại ngoài khơi vùng biển nước ngoài.
Từ cuối năm 2007 đến nay, đã mở được tuyến đường cao tốc Bắc - Nam trên biển chở khách và hàng hóa, xuất phát từ Cảng Hòn Gai đến Cảng Nhà Rồng sau khoảng 48 giờ chạy tàu. Trên đường đi, tàu sẽ ghé qua Cảng Chân Mây và dừng ở đây để du khách có thể tham quan Cố đô Huế và phố cổ Hội An.
Với đường sắt, khôi phục hệ thống đường sắt sau chiến tranh được xem là nhiệm vụ hết sức cấp bách. Ngày 14/11/1975, Hội đồng Chính phủ ra Mệnh lệnh đặc biệt số 358-TTg quyết định khôi phục nhanh chóng tuyến đường sắt thống nhất nối lại hai miền Bắc - Nam đã bị chia cắt.
Những năm tháng chiến tranh, tuyến đường sắt là mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ nhằm cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đến cuối năm 1975, đường sắt ở phía Nam chỉ có đoạn Sài Gòn - Phù Mỹ và Đà Nẵng - Huế còn hoạt động được. Đoạn Vinh - Quảng Trị dài 314km và đoạn Đà Nẵng - Bồng Sơn dài 223km phải làm mới hoàn toàn để nối thông toàn tuyến Hà Nội - Tp.HCM.
Công cuộc hàn gắn đường sắt sau hơn 30 năm gián đoạn mất hơn 1 năm làm việc quên mình không kể ngày đêm của hơn 10 vạn cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân, như lời một bài hát, "sức như Phù Đổng cháu con của Bác Hồ đi mở đường tàu Thống Nhất quê hương...", xây dựng mới hơn 20km cầu, đặt mới 660km đường ray, kéo 1.686km dây thông tin cùng với gần 3 triệu m3 đất được đào đắp và khai thác 70.000m3 gỗ làm đường...
Ngày 31/12/1976, công cuộc hàn gắn chính thức hoàn thành. Chính phủ đã quyết định tổ chức hai đoàn tàu Thống Nhất xuất phát cùng giờ, cùng ngày tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn khai thông tuyến đường sắt Bắc Nam thống nhất. Tên gọi Thống Nhất ra đời từ ngày đó, nó là hiện thân của ước mơ non sông liền một dải, không còn phân ly, không còn chia cắt của dân tộc nay đã thành sự thật. Sau gần 80 giờ lăn bánh, ngày 4/1/1977, cả hai con tàu đã tới đích, hoàn thành sứ mệnh khai thông tuyến đường sắt Bắc - Nam đầu tiên sau ngày nước nhà chia cắt, trong nụ cười, nước mắt của hàng vạn đồng bào.
44 năm đã trôi qua, không như ngày đó phải mất đến 80 giờ, các chuyến tàu Bắc - Nam có thể chạy trong vòng chưa tới 30 giờ đồng hồ là có thể đến đích. Trong tương lai không xa, khi dự án đường sắt cao tốc hoàn thành, thời gian này còn ngắn hơn nhiều so với con số 30.
Đường bộ trong hơn 40 năm qua phát triển cũng rất ngoạn mục. Toàn tuyến trục dọc "xương sống" của đất nước là Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, trong đó nổi lên 2 công trình quy mô và hiện đại là hầm đường bộ đèo Hải Vân và cầu Mỹ Thuận đã được nâng cấp. Cùng với trục dọc này, một trục dọc thứ hai cũng đã hình thành.
Đó là đường Hồ Chí Minh nối kết hơn 100 tuyến đường ngang trong đó có các trục hành lang Đông - Tây, nối liền với Quốc lộ 1A ở phía Đông, gắn với hệ thống cảng biển nước sâu dọc bờ biển miền Trung, hệ thống các sân bay trên cao nguyên... hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam và liên thông với các nước láng giềng.
Ngoài 2 trục dọc trên, hàng loạt các tuyến quốc lộ chính yếu nối đến các cảng biển và cửa khẩu quốc tế như QL5, QL18, QL10, QL22, QL51, QL14B... nâng cấp các tuyến quốc lộ hướng tâm và vành đai phía Bắc, phía Nam; các tuyến quốc lộ ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Trên các tuyến đường mới, hàng loạt các cầu đã được xây dựng như: cầu Kiền, cầu Tô Châu, Tạ Khoa, Bến Lức, cầu Tuần và tuyến tránh Tp.Huế, cầu Tân An và tuyến tránh Tân An, cầu Yên Lệnh; cầu Tuyên Nhơn (tuyến N2); các cầu thuộc dự án cầu QL1: Đà Rằng, Diêu Trì, Tam Giang; Sông Vệ, Câu Lâu, Trà Khúc, Cây Bứa, Bồng Sơn và Bàn Thạch; cầu Sông Rộ (dự án Đường HCM về quê Bác); cầu Gò Chai (dự án Đường xuyên Á) cầu Hoà Mạc, cầu Kênh Tiêu, cầu Hà Nha, cầu Giát (QL38)...
Đặc biệt, công trình cầu Cần Thơ được đưa vào sử dụng, đánh dấu sự hoàn tất các cầu trên Quốc lộ 1, huyết mạch giao thông của đất nước. Nối liền hai miền Nam - Bắc ngày nay, còn có đường cao tốc Bắc - Nam chạy gần như song song với Quốc lộ 1A nối Hà Nội và Cần Thơ dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2021; có đường Hồ Chí Minh chạy qua vùng núi phía tây nối Pắc Bó, Cao Bằng và Đất Mũi, Cà Mau cũng dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm này.
Sự phát triển của đường hàng không mới thật sự là bùng nổ, như một minh chứng rõ nét cho sự cất cánh của đất nước. Trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hàng không dân dụng và không quân vận tải đã dốc toàn lực tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng các yêu cầu thần tốc của mặt trận.
Quân địch thua chạy rút khỏi sân bay ở đâu, cầu hàng không được nối ngay tới đó để nhanh chóng tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cấp cứu thương binh. Ngày 15/5/1975, chiếc máy bay chuyên cơ của Hàng không dân dụng Việt Nam đã bay từ Thủ đô Hà Nội vào Tp.Sài Gòn chở Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước ta vào dự lễ đại thắng giải phóng đất nước.
Từ ngày 20/8/1976, Chính phủ cho phép ngành hàng không dân dụng bán vé hành khách và cước hàng hóa, tuy nhiên đối tượng được mua rất hạn chế, thủ tục chặt chẽ, phức tạp. Trong thời gian từ 1976-1979, các chuyến bay trong nước vận chuyển được 1.161.928 lượt hành khách, 8.624 tấn hàng hóa, bưu kiện; tuyến bay nước ngoài vận chuyển được 40.000 lượt khách, 700 tấn hàng hóa; chỉ huy cất hạ cánh an toàn 2.514 chuyến bay, đảm bảo 50.000 giờ bay an toàn trong và ngoài nước.
Nhưng đến nay, bức tranh hàng không đã hoàn toàn khác, muốn đến bất cứ nơi nào trên đất nước, người dân đều có thể ngồi lên và bay. Với trên 20 cảng hàng không nằm khắp các miền, như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Phú Bài, Cát Bi, Vinh, Thanh Hóa... Mới đây nhất, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã chính thức đi vào hoạt động, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương thứ 22 trong cả nước có sân bay dân dụng.
Từ chỗ chỉ có các máy bay thế hệ cũ của Liên Xô (trước đây) như TU, AN..., bắt đầu từ những năm 1990, đội máy bay của Vietnam Airlines lần đầu tiên đã mạnh dạn thuê 10 chiếc máy bay Airbus A320 và mua các máy bay như ATR72, Fokker70 để đưa vào khai thác. Đây là những loại máy bay rất hiện đại lúc bấy giờ, làm thay đổi hẳn bộ mặt của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Cùng với việc đổi mới máy bay, các điểm đến của hàng không Việt Nam trong giai đoạn này cũng phát triển hết sức ấn tượng, cả trong nước và quốc tế. Thị trường hàng không Việt Nam trở nên sôi động và có tốc độ phát triển rất nhanh, khi lên tới trên 40%/năm. Cùng với Vietnam Airlines, là sự góp mặt của hàng loạt các hãng hàng không tư nhân cùng cất cánh.
Hồi đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với lãnh đạo 19 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã dự lễ khai trương 5 đường bay mới đi, đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ của Vietjet. 5 đường bay gồm Cần Thơ - Hải Phòng, Cần Thơ - Vinh (Nghệ An), Cần Thơ - Thanh Hóa, Cần Thơ - Nha Trang (Khánh Hòa) và Cần Thơ - Đà Lạt (Lâm Đồng), khai thác từ 26/4/2019, tạo thêm nhiều hơn nữa các cơ hội đi lại nhanh chóng, thuận tiện giữa người dân hai miền đất nước.
Không thể chậm trễ thêm
Dự báo đến năm 2020, nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tháng 11/2017, Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020. Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: lời hứa của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về đảm bảo tiến độ cho cao tốc Bắc - Nam liệu có làm được không?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa ban hành riêng một Chỉ thị về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, mang tính kết nối, là động lực cho phát triển kinh tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, còn những bất cập phải tập trung để đầu tư, hoàn thiện; đặc biệt là phát triển hệ thống đường cao tốc. Hành lang vận tải Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Tp.HCM, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các đô thị lớn, cảng biển, trung tâm kinh tế lớn...
Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, dự báo đến năm 2020, nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2020, nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao yêu cầu nguồn kinh phí rất lớn, công nghệ phức tạp, chắc chắn không thể triển khai trước năm 2025. Đồng thời, các công trình hạ tầng như cảng hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng tốt các nhu cầu... nên chưa thể phát huy tối đa hiệu quả.
Để đáp ứng tiến độ dự án hoàn thành vào năm 2021, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa để triển khai các nhiệm vụ về công tác giải phóng mặt bằng. UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công trong thời gian sớm nhất, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, hỗ trợ cung cấp các nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án; đảm bảo an toàn, an ninh, không để xảy ra các điểm nóng trong quá trình thi công. Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư dự án thành phần giải phóng mặt bằng...
Trực tiếp đi thị sát, chỉ đạo hàng loạt các công trình trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân loại, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng tình hình chậm trễ, tạm dừng các dự án đầu tư, khẩn trương đề xuất với Thủ tướng các biện pháp tháo gỡ.
Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, ở Trung ương, có bảng phân công chỉ đạo rõ một số công trình trọng điểm do bộ, ngành nào trực tiếp đốc thúc, còn ở địa phương, bí thư, chủ tịch trực tiếp chỉ đạo một số công trình trọng điểm thuộc địa phương mình, như nhấn mạnh của Thủ tướng, "để tránh tình trạng "đổ qua đổ lại".
Như với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thường trực Chính phủ đã mấy lần họp về dự án này. Tại cuộc làm việc với 19 tỉnh Tây Nam Bộ mới đây, Thủ tướng tái khẳng định cam kết của Chính phủ về việc tuyến đường bộ Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, phải được thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021.
"Đây là lời hứa của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, của Chính phủ trước 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển hạ tầng cho nơi đây. Chính phủ sẽ giải quyết đầy đủ các điều kiện về cơ chế chính sách, về kinh phí và chỉ yêu cầu tổ chức thực hiện cho nghiêm túc, trách nhiệm cho tuyến đường này", Thủ tướng bày tỏ, "điều mà các địa phương muốn nghe nhiều nhất là kết nối giao thông, các công trình giao thông, về việc thực hiện lời hứa của Bộ Giao thông Vận tải cũng như của Chính phủ đối với phát triển hạ tầng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn lực thế nào, giải pháp thực thi, tiến độ ra sao, không phải là nói suông, hứa suông...".
Hay như với dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại Tp.HCM, hai tuần trước, đích thân Thủ tướng xuống công trường tuyến metro số 1, tận mắt chứng kiến tiến độ triển khai. Ông yêu cầu lãnh đạo Tp.HCM "cũng phải thường xuyên xuống công trường để thấy sức nóng của dự án này. Trong khi kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, phải hoàn thành dự án metro để san sẻ cho áp lực giao thông. Đây là nhu cầu rất thiết thực mà chúng ta cứ nói qua nói lại với nhau, tiếp tục bệnh quan liêu giấy tờ như vậy gây khổ sở cho người dân...".
Những hành động tận tâm, tận lực của Đảng, của người đứng đầu Chính phủ cũng như sự vận hành khẩn trương của cả bộ máy cho sự phát triển trên suốt dặm dài mảnh đất hình chữ S của tổ quốc.