23:07 13/11/2011

Thông xe kỹ thuật cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Anh Quân

Mức thu phí một lượt đối với các loại xe, tính theo số ghế ngồi và trọng tải thấp nhất 30 nghìn đồng tới cao nhất 140 nghìn đồng

Lễ thông xe kỹ thuật đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Ảnh: Anh Quân.
Lễ thông xe kỹ thuật đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Ảnh: Anh Quân.
Sáng 13/11, Tổng công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tổ chức thông xe kỹ thuật dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn từ Cầu Giẽ đến Phủ Lý có chiều dài 23 km.

“Nhằm giảm bớt ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1, đoạn từ Cầu Giẽ đến Phủ Lý, cũng như góp phần thực hiện chương trình an toàn giao thông quốc gia, chúng tôi đã báo cáo lên Chính phủ, cho phép được đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ Cầu Giẽ đến Phủ Lý”, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC, ông Trần Xuân Sanh, cho biết.

Cũng theo ông Sanh, sau khi kiểm tra các điều kiện đã đáp ứng, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy định và phương án về tổ chức quản lý, khai thác tạm thời đoạn tuyến nói trên. Cụ thể, thời gian khai thác và thu phí trong 12 tháng, từ quý 4/2011 đến quý 3/2012.

Sau lễ thông xe kỹ thuật, các phương tiện được phép tham gia giao thông trên tuyến sẽ gồm ôtô con, ôtô khách, xe tải, xe container từ 20-40 feet. Các phương tiện như xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ, xe chở vật liệu dễ cháy nổ, xe quá khổ, quá tải không được phép lưu thông. Trong giai đoạn khai thác tạm, tốc độ lưu hành của các phương tiện tối đa 80 km/giờ.

Trước mắt, do một số hạng mục chưa hoàn thiện kết nối để tổ chức thu phí kín, vì vậy chủ đầu tư sẽ tổ chức thu phí lượt, một dừng. Mức thu phí một lượt đối với các loại xe, tính theo số ghế ngồi và trọng tải áp dụng từ thấp nhất 30 nghìn đồng tới cao nhất lên đến 140 nghìn đồng.

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình khởi công gói thầu đầu tiên ngày 7/1/2006, có chiều dài toàn tuyến là 50 km kết nối giữa Cầu Giẽ với đường 10 tại km 260+030 (Ninh Bình), với tổng mức đầu tư là 8.974 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 6.938 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 489 tỷ đồng; và lãi vay ngân hàng gần 665,4 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự án gồm 800 tỷ đồng từ VEC và 8.174 tỷ đồng vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh.

Thông tin từ VEC cho biết, do dự án được đầu tư trong giai đoạn gặp suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, cộng với công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương chưa giải quyết xong nên đã không hoàn thành đúng kế hoạch tiến độ đã đề ra, chậm so với dự kiến 1 năm.