23:23 16/07/2008

Thu hút đầu tư nước ngoài: “Con rồng” đang yếu thế?

Kiều Oanh

Trung Quốc đang nỗ lực trước sức cạnh tranh gia tăng từ phía Việt Nam và Ấn Độ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài

Tại một nhà máy ở Trung Quốc. Quyền lợi của người lao động tại nước này đang ngày càng được bảo vệ tốt hơn.
Tại một nhà máy ở Trung Quốc. Quyền lợi của người lao động tại nước này đang ngày càng được bảo vệ tốt hơn.
Trung Quốc đang nỗ lực trước sức cạnh tranh gia tăng từ phía Việt Nam và Ấn Độ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong một thời gian dài, khi muốn sản xuất bất kỳ một thứ gì, từ quần áo, giày dép, đồ chơi tới túi xách, các nhà đầu tư đều tìm đến khu vực bờ biển phía Đông Nam Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Phúc Kiến và Triết Giang.

Với giá nhân công rẻ, hệ thống cảng biển tiện lợi và những đặc khu kinh tế có mức thuế xuất khẩu bằng 0 và các ưu đãi khác về thuế, những thương hiệu lớn nhất thế giới đã bị hút về vùng này với một tốc độ khó tin.

Các nhà máy chuyển đi


Động lực phía sau sự phát triển kinh tế đáng nể của “con rồng” Trung Quốc chính là lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Một nửa hàng thành phẩm trên thế giới được sản xuất ở nước này. Tỷ lệ đối với hàng linh kiện và hàng bán thành phẩm cũng tương tự.

Tuy nhiên, hiện nay, do chi phí tăng cao và môi trường cạnh tranh nhiều thử thách hơn, hàng ngàn công ty đang tìm kiếm địa điểm đầu tư mới ở châu Á, ngoài Trung Quốc. Do đó, những địa điểm sản xuất hàng đầu của Trung Quốc đang phải đối với với sức ép cạnh tranh gia tăng từ những quốc gia láng giềng.

Một báo cáo do nhà kinh tế Tao Dong của Ngân hàng Credit Suisse (chi nhánh tại Hồng Kông) thực hiện dự báo rằng, 1/3 các nhà sản xuất ở tỉnh Quảng Đông - khu vực sản xuất 30% hàng xuất khẩu của Trung Quốc - sẽ đóng cửa trong vòng 3 năm tới.

“Từ quý 1/2008, tốc độ tăng trưởng trong ngày điện tử đã chậm lại”, nhà kinh tế Gao Sumei thuộc Bộ Công nghiệp của Trung Quốc cho biết. “Trong khi đó, các quốc gia láng giềng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Do đó, một số nhà đầu tư đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ và các nước khác”, ông Gao nói.

Năm ngoái, hãng sản xuất hàng điện tử Nhật Bản Canon đã quyết định hợp nhất hai nhà máy ở Trung Quốc và đầu tư 700 triệu Nhân dân tệ (65 triệu Euro) để xây dựng nhà máy ở Việt Nam nhằm giảm chi phí. Việt Nam và Ấn Độ đã trở nên mạnh hơn trong cuộc đua thu hút các nhà sản xuất trong các ngành sản xuất có chi phí thấp. Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, giúp tạo ra khả năng tiếp cận rộng lớn hơn của nước này với thị trường thế giới.

Tháng 7 năm ngoái, PricewaterhouseCoopers đã xếp hạng Việt Nam là đích đến cạnh tranh nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất trong số 20 thị trường mới nổi hàng đầu của thế giới. Trung Quốc chỉ xếp ở vị trí thứ hai trong danh sách này.

Tình hình hiện nay đối với Trung Quốc không sáng sủa như trước đây. Tại nước này, người ta nhận thấy môi trường đầu tư đang thay đổi, mặc dù chưa tới mức đáng ngại.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, công nhân không có trình độ được trả mức lương bình quân 1.669.000 đồng (54 Euro)/tháng, thấp hơn 41% so với những công nhân được trả lương thấp nhất ở Giang Tây, Trung Quốc.

Ở Ấn Độ, giá nhân công thậm chí còn rẻ hơn, chỉ ở mức bình quân 3.843 Rupee (57 Euro)/tháng. Chính phủ Ấn Độ hiện đang xây dựng hơn 400 đặc khu kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài. Người ta lo ngại giá cả tăng cao tại Trung Quốc sẽ tạo ra hiệu ứng domino đối với lạm phát trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ.

Trong số những thay đổi lớn đang diễn ra ở Trung Quốc phải kể tới luật lao động mới được áp dụng từ ngày 1/1 năm nay. Theo đó, sự bảo vệ đối với công nhân Trung Quốc, bao gồm cả lao động trong được tăng cường, đồng thời tăng thêm lương cho công nhân thêm khoảng 22% ở một số khu vực.

Về cơ bản, luật mới này yêu cầu các hợp đồng lao động phải được kí kết dưới dạng văn bản ngay trong tháng đầu tiên sử dụng lao động. Do đó, việc thuê công nhân tạm thời trở nên khó khăn hơn và đem đến sự hỗ trợ cho những công nhân bấy lâu nay bị vi phạm quyền lợi. Đúng như dự báo, phản ứng từ phía các chủ sử dụng lao động kể cả địa phương và nước ngoài đều là tiêu cực.

Báo chí Trung Quốc đưa tin bốn cửa hàng của hãng bán lẻ Wal-Mart ở Thâm Quyến, Thượng Hải, Đông Quan và Phú Kiến đã sa thải hàng trăm nhân viên vào tháng 10 năm ngoái. Công ty Huawei ở Thâm Quyến cũng đã đưa ra gói nghỉ việc tự nguyện trị giá 1 tỷ Nhân dân tệ (90 triệu USD) dành cho 7.000 công nhân. Một số công ty Hàn Quốc ở Sơn Đông đột ngột sa thải hàng trăm công nhân mà không trả lương cho họ trước khi luật trên được đưa vào áp dụng.

Cùng lúc, nhiều công ty sản xuất bảng điện in của Đài Loan tích cực tìm kiếm địa chỉ đầu tư mới trong khu vực vì những thay đổi môi trường kinh doanh ở Trung Quốc. Thành phố Đông Quan của tỉnh Quảng Đông từng một thời là "thủ phủ" giày da của thế giới, nhưng hiện nay hàng trăm nhà máy đã phải đóng cửa vì chi phí tăng cao và các công ty đang tìm kiếm nơi đầu tư mới trong khu vực, trong đó có Ấn Độ.

“Trung Quốc đã bắt đầu coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Quyền lợi của người lao động cũng được bảo vệ chặt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc một số công ty sẽ phải chịu chi phí cao hơn và họ sẽ chọn cách tìm địa điểm khác để đầu tư. Đây là điều tự nhiên vì cả thế giới lúc này là một thị trường mở”, ông Wang Yukun, một nhà nghiên cứu từng làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu phát triển - Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và hiện là cố vấn cho Ngân hàng Thế giới nói.

Một yếu tố khác dẫn tới việc nhiều công ty rời Trung Quốc là đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh so với USD, khiến hàng xuất khẩu từ Trung Quốc giảm sức cạnh tranh. Năm ngoái, Nhân dân tệ tăng giá 7% so với USD.

Trung Quốc vẫn yên tâm


Ông Wang cho biết: “Theo tôi được biết, nhiều công ty lớn vẫn ở lại Trung Quốc vì các nhà cung cấp chính của họ là ở Trung Quốc. Nhiều công ty có thể chọn Việt Nam hay Ấn Độ để đặt nhà máy sản xuất nhưng họ sẽ không chuyển toàn bộ công ty tới đó”.

Cần phải nói thêm, việc dịch chuyển các cơ sở sản xuất không phải là điều mà nhiều người mong đợi, nhưng Chính phủ Trung Quốc hiện đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút những ngành sản xuất có giá trị cao hơn bao gồm chip máy tính, hàng điện tử và xe hơi. Do đó, việc các nhà máy sử dụng nhiều nhân công rời Trung Quốc không khiến nước này quá lo ngại.

Mặt khác, nhiều công ty không chuyển hẳn ra ngoài Trung Quốc mà đơn thuần chỉ chuyển địa điểm đầu tư ngay ở nước này. Các công ty đặt tại các thành phố lớn khu vực ven biển phía Đông Nam đã chuyển sâu vào trong nội địa nơi chi phí sản xuất rẻ hơn. Chính phủ Trung Quốc cũng nỗ lực đưa ra nhiều chương trình khuyến khích các công ty tới các địa phương có giá nhân công rẻ.

Mặc dù vậy, ở những địa phương này, các nhà đầu tư lại phải đối mặt với những vấn đề tương tự như ở Việt Nam, Ấn Độ hay Thái Lan - đó là công nhân thiếu kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng yếu kém và cảng biển cách xa.

Đối với Chính phủ Trung Quốc, mục tiêu chính luôn là thúc đẩy sự ổn định, trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của một số khu vực sản xuất chính đã nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa người dân ở các thành phố ven biển và hơn 700 triệu người sống ở các địa phương nằm sâu trong nội địa. Do đó, chính sách “Hướng Tây” khuyến khích người dân di chuyển tới những khu vực phía Tây đã khiến Chính phủ Trung Quốc chi 1.000 tỷ Nhân dân tệ từ năm 2005 tới nay.

Một báo cáo của ngân hàng Royal Bank of Scottland tin rằng ảnh hưởng của việc các nhà đầu tư ở Trung Quốc chuyển sang Việt Nam hay Ấn Độ đối với nước này chỉ là nhỏ. Dân số 84 triệu người của Việt Nam nhỏ hơn dân số 93 triệu người của tỉnh Quảng Đông. Mặt khác, mặc dù các nhà máy thuộc các lĩnh vực đòi hỏi nhiều nhân công có thể chuyển đi, những ngành sản xuất đòi hỏi nhiều vốn vẫn ở lại Trung Quốc do các rào cản để đầu tư vào những ngành này ở Trung Quốc hiện đã cao hơn và tỷ suất lợi nhuận cũng cao hơn.

Một cuộc điều tra gần đây đối với các nhà đầu tư Hồng Kông có nhà máy ở Trung Quốc cho thấy 14% trong số này tính chuyện chuyển nhà máy sang Việt Nam, còn 29% dự định ở lại Trung Quốc và chỉ chuyển nhà máy tới những khu vực có chi phí thấp hơn.

Không ai cho rằng sức cạnh tranh của Trung Quốc sẽ biến mất ngày một ngày hai và đa phần các nhà kinh tế đều tin rằng hàng hóa từ quốc gia đông dân nhất châu Á sẽ còn có mức giá rẻ trong nhiều năm nữa. Những con số về tăng trưởng của Trung Quốc, dù giảm nhẹ, vẫn là những con số đáng thán phục.

Theo tính toán của hãng tin Bloomberg, năm ngoái, lượng hàng công nghệ cao mà Trung Quốc xuất khẩu tăng 412% so với năm 2002 lên mức 347,8 tỷ Nhân dân tệ (32 tỷ Euro), chiếm 28,5% toàn bộ kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 11,9% vào tăng trưởng GDP của nước này. Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 10% trong năm nay và 9,5% trong năm tới.

Rõ ràng, sự bùng nổ của lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc vẫn chưa tới hồi kết.

(Theo Irish Times)