17:57 23/10/2023

Thu ngân sách năm 2023 ước đạt dự toán, bội chi ước trên 400.000 tỷ đồng

Ánh Tuyết

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ước thu ngân sách nhà nước cả năm bằng dự toán Quốc hội giao, tương ứng trên 1,62 triệu tỷ đồng.Căn cứ đánh giá thu và chi ngân sách nhà nước, ước bội chi ngân sách nhà nước năm nay khoảng 415,2 nghìn tỷ đồng, giảm 40,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán...

Dù thu ngân sách nhà nước ước hoàn thành dự toán nhưng thực chất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dù thu ngân sách nhà nước ước hoàn thành dự toán nhưng thực chất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều ngày 23/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026.

THU NGÂN SÁCH ƯỚC VƯỢT DỰ TOÁN 4,6% BAO GỒM 75.000 TỶ VÌ MIỄN, GIẢM THUẾ

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng năm 2023 bằng 75,5% dự toán. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ, Quốc hội triển khai thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất, ước thu ngân sách nhà nước cả năm bằng dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 15,7% GDP.

Cụ thể, thu nội địa 9 tháng đạt 76% dự toán, ước cả năm khoảng 1.358,2 nghìn tỷ đồng, đạt 101,8% (tăng 23,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán.

Thu từ dầu thô 9 tháng đạt 109,5% dự toán, ước cả năm khoảng 62,1 nghìn tỷ đồng, đạt 147,9% (tăng 20,1 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, trên cơ sở dự kiến giá bán và sản lượng khai thác cao hơn dự toán.

Còn thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng ước đạt 68,5% dự toán; ước cả năm khoảng 195 nghìn tỷ đồng, đạt 81,6%, giảm 44 nghìn tỷ đồng so dự toán. Ngoài ra, thu viện trợ ước cả năm đạt dự toán là 5,5 nghìn tỷ đồng.

 

"Nếu kể cả khoảng 75 nghìn tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế, thu ngân sách nhà nước cả năm tăng khoảng 4,6% so dự toán, đây là mức rất tích cực trong bối cảnh hiện nay".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Về chi ngân sách nhà nước năm 2023, ước thực hiện 9 tháng bằng 59,7% dự toán.

Về việc trình bổ sung dự toán năm 2023 cho một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết căn cứ đề nghị bổ sung dự toán của 32 bộ, cơ quan trung ương, Chính phủ có Tờ trình số 513/TTr-CP ngày 5/10/2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương là 2.508 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên cơ sở Chính phủ và các địa phương chỉ đạo tập trung giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi chặt chẽ trong phạm vi dự toán, ước chi ngân sách nhà nước cả năm khoảng 2.035,9 nghìn tỷ đồng, giảm 40,3 nghìn tỷ đồng (-1,9%) so dự toán.

Đồng thời, phấn đấu giải ngân đầu tư công cả năm đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo một số nội dung chủ yếu về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo một số nội dung chủ yếu về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn.

"Căn cứ đánh giá thu và chi ngân sách nhà nước nêu trên, ước bội chi ngân sách nhà nước khoảng 415,2 nghìn tỷ đồng (giảm 40,3 nghìn tỷ đồng so dự toán), khoảng 4% GDP. Đến cuối năm 2023, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong phạm vi Quốc hội cho phép", Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

TIỀM ẨN RỦI RO KHI THU NỘI ĐỊA GIẢM

Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đánh giá, mặc dù nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, việc điều hành ngân sách nhà nước đạt nhiều kết quả khả quan. 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị lưu ý một số vấn đề.

Cụ thể, "tình hình thu ngân sách nhà nước ước hoàn thành dự toán nhưng thực chất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thu nội địa giảm. Điều này cho thấy tình hình kinh tế còn khó khăn", ông Mạnh nêu rõ.

Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước chịu nhiều ảnh hưởng từ các chính sách miễn giảm thuế, phí nhưng báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá định lượng, hiệu quả của các chính sách này.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho rằng vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương bị ảnh hưởng, thu ngân sách địa phương có sự không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán, các địa phương cần phấn đấu hoàn thành dự toán. 

Về chi ngân sách nhà nước, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách cho rằng dự kiến thực hiện chi ngân sách nhà nước thể hiện được nỗ lực của Chính phủ nhưng vẫn cần lưu ý một số vấn đề như: về phân bổ giao dự toán chi đầu tư phát triển, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ nguyên nhân chưa giao hết kế hoạch vốn đã được quyết định.

Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển trong 8 tháng đầu năm đã có những cải tiến tích cực cao hơn so với cùng kỳ 2022 nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cần tiếp tục có giải pháp cụ thể, quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện cam kết giải ngân, chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Vẫn còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, chưa thu hồi hết vốn ứng trước. 

Về chi thường xuyên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy chi thường xuyên được phân bổ cơ bản đảm bảo nhiệm vụ chi an sinh xã hội, đảm bảo nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu, tăng lương hưu. Về chương trình mục tiêu quốc gia, qua giám sát cho thấy việc giải ngân nguồn vốn ở nhiều địa phương còn chậm, cần giải pháp tháo gỡ tổng thể để đẩy mạnh triển khai...