Thứ trưởng Bộ Công Thương: Năm 2024 sẽ không lặp lại tình trạng thiếu điện
Sản xuất công nghiệp quý 1/2024 phục hồi cũng khiến tiêu thụ điện tăng cao. Tính đến hết tháng 3/2024, tăng trưởng phụ tải điện khoảng 11,5%, cao hơn so với dự báo. Diễn biến này đang gây nên những lo lắng về khả năng cung ứng điện trong thời gian tới, nhất là vào cao điểm mùa hè…
Trước những lo ngại trên, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, chiều 29/3, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết rà soát thực tế trong tháng 2 và 3 vừa qua cho thấy, dự kiến nhu cầu sử dụng điện năm 2024 tiếp tục tăng trưởng cao so với năm 2023. Chỉ tính đến hết tháng 3/2024, phụ tải tăng trưởng khoảng 11,5%.
TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP CUNG ỨNG ĐIỆN
Trước bài học năm 2023 và những dự kiến nhu cầu điện trong năm 2024, để đảm bảo cung ứng điện năm nay, ngay từ cuối năm 2023 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3110/2023 phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024; ban hành Quyết định 3376/2023 phê duyệt kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024 với phương án là phụ tải tăng 9,6% để dự phòng cho vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm mùa hè.
Đồng thời Bộ chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng và quán triệt tuyệt đối trong công tác vận hành nhằm đảm bảo cao nhất việc cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, tập trung các nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các công trình lưới điện, nguồn điện để giải toả nguồn điện cũng như tăng cường khả năng truyền tải. Đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu, nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt là than và khí.
Tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình vận hành các quy định ngành điện, khắc phục nhanh chóng những sự cố xảy ra, chuẩn bị dự phòng vật tư sẵn sàng đảm bảo vận hành hệ thống.
Điều tiết hợp lý các nhà máy thuỷ điện đảm bảo dự phòng công suất điện năng trong cao điểm mùa khô. Tăng cường công tác rà soát các đường dây truyền tải 500kV, 200kV, kiểm tra khắc phục các khiếm khuyết nếu có, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết việc thiếu điện năm 2023 là sự cố đáng tiếc. Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm và có nhiều chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024. Chính phủ giao cho Bộ Công Thương trực tiếp giám sát, tham gia vào việc điều hành, cùng với EVN đảm bảo vận hành cung ứng điện.
Cùng với đó, Bộ có sự đổi mới trong việc lập kế hoạch, điều hành, vận hành hệ thống điện. Từ Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã chủ động ban hành kế hoạch cung ứng điện, đồng thời đảm bảo các nguyên, nhiên liệu, đặc biệt là khí, than để phục vụ cho các nguồn điện.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã ban hành riêng kế hoạch cung ứng điện cho các tháng mùa khô. Với riêng kế hoạch từ tháng 4 đến tháng 7, trên cơ sở đó rà soát hàng tháng, hàng quý và có báo cáo để điều chỉnh kịp thời.
"Bộ Công Thương sẽ cùng EVN và các đơn vị liên quan đề ra nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện. Chúng tôi có đủ cơ sở để tin tưởng năm 2024 sẽ không lặp lại tình trạng thiếu điện như năm ngoái, và không chỉ với năm 2024 mà sẽ cố gắng đảm bảo đủ điện trong những năm tiếp theo", Thứ trưởng Tân nhấn mạnh.
SẼ SỚM BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH ĐIỆN 8
Một số ý kiến cho rằng, việc chậm trễ trong xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 cũng sẽ tạo áp lực lên nguồn cung ứng điện cho mùa khô tới.
Lý giải về sự chậm trễ này, tại buổi họp báo ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 là sự trông mong của rất nhiều chủ đầu tư, tuy nhiên có sự chậm trễ trong quá trình triển khai vì mới, lại rất khó, có nhiều khó khăn, vướng mắc nên Bộ Công Thương mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm.
Ông Hùng cho biết ngay sau khi Quy hoạch điện 8 được ban hành, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch, lấy ý kiến của các bộ ngành và địa phương để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch trình Chính phủ phê duyệt. Bộ Công Thương đã có 6 lần trình Chính phủ, gần đây nhất là vào 1/3/2024.
Chính phủ cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp nhấn mạnh về tính phức tạp cũng như quan trọng của Kế hoạch. Thủ tướng Chính phủ đánh giá Quy hoạch điện 8 là nội dung khó, được nhiều cấp ngành, các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm.
Trong quá trình xây dựng Kế hoạch, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực, cố gắng hoàn thiện Kế hoạch theo đúng tiến độ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có 17 địa phương gửi danh mục đề xuất các dự án về năng lượng tái tạo bị chậm nhiều so với thời gian yêu cầu của Chính phủ.
“Đến nay, dự thảo Kế hoạch đã được Chính phủ thông qua, hy vọng trong tháng 3 nay sẽ được phê duyệt. Sau khi Kế hoạch được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các địa phương còn thiếu tiếp tục cập nhật bổ sung, hoàn thiện các danh mục dự án”, ông Hùng kỳ vọng.
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đồng tình cho rằng Quy hoạch điện 8 có một số điểm mới liên quan tới việc phải thực hiện chuyển đổi năng lượng, đảm bảo khuyến khích phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch và xây dựng cơ chế đi kèm qua đó mới thực hiện được Quy hoạch, Kế hoạch tốt hơn.
Ngoài ra, Kế hoạch cần cụ thể hóa các dự án. Trong Quy hoạch điện 8, cần cụ thể hoá các dự án mang tính trọng điểm, ưu tiên, chiếm công suất tới 70%. Bên cạnh đó, ở các địa phương cũng cần cụ thể hoá bằng các dự án cụ thể.
Do đó, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 cần tạo điều kiện cho các địa phương có thêm thời gian tiếp tục rà soát, cập nhật các dự án và báo cáo lại Chính phủ.