17:00 18/05/2023

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: “Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc phát triển thuận lợi giữa lúc thế giới biến động”

Anh Nhi

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, xung đột tại Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, an ninh năng lượng và lương thực thế giới… quan hệ song phương giữa Việt Nam – Hàn Quốc đã được nâng cấp lên mức Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022, mở ra thời kỳ phát triển mới…

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng đây là thời điểm cần “tìm mọi cách, nỗ lực mọi lúc, mọi nơi để thắt chặt quan hệ, tiếp tục cùng nhau hợp tác cùng có lợi trong những lĩnh vực nhiều tiềm năng”.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng đây là thời điểm cần “tìm mọi cách, nỗ lực mọi lúc, mọi nơi để thắt chặt quan hệ, tiếp tục cùng nhau hợp tác cùng có lợi trong những lĩnh vực nhiều tiềm năng”.

Phát biểu tại Chương trình Gặp gỡ Hàn Quốc ngày 18/5 tại Bắc Ninh, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực.

Trong đó, Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch; thứ ba về hợp tác thương mại. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN.

Với việc nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược toàn diện năm 2022 cùng sự nỗ lực và tăng cường hợp tác của hai bên, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ tin rằng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 sẽ đạt 100 tỷ USD và hướng tới 150 tỷ USD vào năm 2030.

THỜI ĐIỂM HỢP TÁC CÙNG CÓ LỢI TRONG NHỮNG LĨNH VỰC TIỀM NĂNG

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng đây là thời điểm cần “tìm mọi cách, nỗ lực mọi lúc, mọi nơi để thắt chặt quan hệ, tiếp tục cùng nhau hợp tác cùng có lợi trong những lĩnh vực nhiều tiềm năng”.

Đặc biệt, với sự chuyển mình sâu sắc, từ đơn thuần “thu hút” vốn FDI, sang “hợp tác” với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng và cùng phát triển, Thứ trưởng mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, năng lượng sạch, đô thị thông minh, đô thị sinh thái cũng như trong việc tìm kiếm các động lực hợp tác mới như hợp tác chống biến đổi khí hậu, thực hiện  góp phần đa dạng hóa các nền tảng hợp tác giữa hai nước.

“Đây sẽ chính là cơ sở để quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển bền vững, khăng khít”, Thứ trưởng khẳng định.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các địa phương và doanh nghiệp tại Chương trình Gặp gỡ Hàn Quốc. Ảnh: Việt Tuấn.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các địa phương và doanh nghiệp tại Chương trình Gặp gỡ Hàn Quốc. Ảnh: Việt Tuấn.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, với tầm nhìn rõ ràng, các doanh nghiệp và đối tác Việt Nam của doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất nhiều hơn, đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

ĐẨY MẠNH NGOẠI GIAO KINH TẾ, KẾT NỐI CƠ HỘI THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ

Với vai trò là cơ quan ngoại giao, thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, phát huy vai trò cầu nối để hỗ trợ các tỉnh/thành phố trong cả nước kết nối với các đối tác quốc tế; chủ động, tích cực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, thu hút đầu tư chất lượng cao; sẵn sàng phát huy “vai trò tiên phong” trong huy động các nguồn lực bên ngoài, gắn kết với nguồn lực bên trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

“Chúng tôi cũng mong các doanh nghiệp, hiệp hội cùng góp sức, chủ động thông tin cho chúng tôi về các khó khăn, vướng mắc, để trong phạm vi của Bộ Ngoại giao, có thể hỗ trợ tốt hơn nữa nhu cầu của doanh nghiệp, hiệp hội”, Thứ trưởng bày tỏ.

Cùng với các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp tham dự Chương trình Gặp gỡ Hàn Quốc hôm nay còn có rất nhiều địa phương của Việt Nam là những tỉnh, thành có vị trí chiến lược và tiềm năng lớn để phát triển.

Trong đó, 7 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật cả nước, là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, địa bàn hội nhập và giao thương của cả nước với khu vực và quốc tế; có hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ với nhiều tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh phía Bắc với các sân bay và cảng biển quan trọng.

Các địa phương lân cận như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ cũng đều có các chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế đối ngoại, khuyến khích đầu tư, giao thương với các đối tác nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc.

Thứ trưởng mong rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc tin tưởng vào tiềm năng vô hạn của các địa phương để xây dựng các kế hoạch đầu tư dài hạn. “Việt Nam sẽ không ngừng tháo gỡ mọi khó khăn, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại… giữa Việt Nam – Hàn Quốc trong tương lai”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Ngày 18/5/2023, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức sự kiện Gặp gỡ Hàn Quốc với sự tham dự của gần 400 đại biểu.

Thạm dự sự kiện có lãnh đạo và đại diện 13 tỉnh/thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc. 

Cùng với phiên khai mạc, sự kiện có 2 phiên trao đổi với chủ đề “Mở rộng đầu tư, đẩy mạnh hợp tác chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất” và “Thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế bền vững”.