18:51 08/05/2023

Đẩy mạnh hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc: Cần sớm tháo gỡ các “nút thắt”

Vũ Khuê

Để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường pháp lý thuận lợi, giảm bớt giấy phép con, doanh nghiệp tìm hiểu kỹ các vấn đề pháp lý...

Khoảng 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.
Khoảng 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

Hàn Quốc hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đa số các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc vào Việt Nam đều đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

CƠ HỘI HỢP TÁC ĐẦU TƯ LỚN

Tại hội thảo “Thương mại, đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam: Tìm kiếm cơ hội trong nghịch cảnh” ngày 8/5, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Ủy ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức, ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam rất sớm, từ năm 1992.

Đến nay FDI của Hàn Quốc đứng đầu tại Việt Nam với tổng số vốn đạt 80,5 tỷ USD. Hàn Quốc cũng đứng thứ 2 về hợp tác phát triển, du lịch và lao động và đứng thứ 3 về hợp tác thương mại, với kim ngạch thương mại song phương, đạt 88 tỷ năm 2022.

Tuy nhiên, trong quý 1/2023 có sự giảm sút mạnh về vốn đầu tư, giảm hơn 70% so với quý 1/2022. Nguyên nhân theo đại diện Kocham là do tác động ảnh hưởng của kinh tế thế giới, tỷ giá đồng won sụt giảm mạnh mẽ, lãi suất cao… Trong khi Việt Nam là nhà máy sản xuất của thế giới, nên ảnh hưởng kinh tế toàn cầu ngay lập tức ảnh hưởng tới Việt Nam. Đơn hàng giảm mạnh từ cuối năm 2022.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC phát biểu tại hội thảo.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC phát biểu tại hội thảo.

Mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng theo ông Hong Sun, Việt Nam vẫn là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng. Chính phủ Việt Nam rất thiện chí trong thu hút FDI, nhà đầu tư khá dễ chịu khi đầu tư vào Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCC), cũng đánh giá cơ hội thu hút FDI của Việt Nam vẫn rất lớn.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh, tốc độ thay đổi của Việt Nam hoàn toàn tin cậy, nền kinh tế đang đi theo hướng thuận lợi, cởi mở hơn, nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Việt Nam từ một nền kinh tế đóng cửa, nền kinh tế tập trung thì giờ có độ mở cao nhất trong khu vực, kim ngạch xuất nhập khẩu cao hơn 200% GDP.

Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam hiện đã có những tín hiệu tích cực hơn, tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá điện tử, thiết bị, công nghệ, máy móc… khá lớn.

Đặc biệt, Việt Nam có nhiều lợi thế và là động lực cho các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam như chi phí (chi phí hạ tầng, điện, nhân lực, thuế….) tương đối phù hợp. Bên cạnh đó là lợi thế mang lại của cácHiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt FTA với các thị trường lớn.

Lợi thế nữa, nguồn nhân lực Việt Nam hiện đang rất thuận lợi, độ tuổi lao động từ 15-60 tuổi có tỷ lệ cao nhất khu vực. Dòng đầu tư FDI có chất lượng ngày càng cao hơn, Việt Nam sớm trở thành cứ điểm sản xuất đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. “Triển vọng kinh doanh của Việt Nam về trung và dài hạn hiện đang rất tích cực, lạc quan”, ông Tuấn nhấn mạnh.

TIẾP TỤC CẢI CÁCH MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ THUẬN LỢI HƠN

Tuy nhiên ông Hong Sun thẳng thắn cho rằng trong và sau Covid-19 một số thủ tục đầu tư vào Việt Nam còn khó khăn, việc triển khai dự án còn chậm.

Trong khi đó, với các nhà đầu tư nước ngoài, thời gian là vấn đề quan trọng với họ. Nếu các thủ tục hành chính, cấp phép chậm sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới đơn hàng.

“Nhiều đại gia Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong giấy phép, triển khai dự án phải chờ đợi mất nhiều thời gian, như với các dự án năng lượng vốn đầu tư lên tới 3-6 tỷ USD, việc chậm trễ trong phê duyệt Quy hoạch Điện 8 khiến doanh nghiệp Hàn Quốc chưa biết thời gian chờ đợi là 1 - 2 năm hay lâu hơn nữa, họ loay hoay nên chuyển đầu tư vào lĩnh vực khác hay chờ đợi thêm”, ông Hong Sun ví dụ.

Ngoài ra khó khăn khi vào Việt Nam là visa, giấy phép lao động… sự lãng phí về thời gian, tài chính không ít, điều này khiến doanh nghiệp Hàn Quốc còn e ngại khi đầu tư vào Việt Nam.

Để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại hai nước trong thời gian tới, ông Hong Sun mong muốn, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường pháp lý thuận lợi, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy phép con, giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc yên tâm đầu tư kinh doanh, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Theo đại diện Kocham, các quy định pháp lý của Việt Nam hơi quá chặt chẽ: “Tôi cho rằng, với tình hình hiện nay chưa cần quá cầu kỳ quy định như vậy, như các quy định về phòng cháy chữa cháy, trước đây doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, nhưng khi có các tiêu chuẩn mới buộc doanh nghiệp phải đầu tư thêm và chờ đợi mất nhiều thời gian. Hay với giấy phép lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang điều chỉnh Nghị định 152 nhưng cũng còn mất nhiều thời gian. Việt Nam cần nới lỏng chế độ chính sách về giấy phép lao động, giấy tạm trú cũng như giấy phép con, giấy phép phòng cháy chữa cháy".

Hơn nữa, ông Hong Sun cho rằng hiện Việt Nam không chỉ cạnh tranh thu hút đầu tư với các nước đang phát triển, các nước trong khu vực mà Mỹ, EU, Nhật Bản cũng chính Thủ tướng nước họ trở thành “nhân viên tiếp thị đầu tư số 1”… Nếu Việt Nam chậm trễ trong các chính sách thu hút đầu tư sẽ mất cơ hội thu hút FDI.

Để tránh gặp rủi ro trong đầu tư tại Việt Nam, ông Hong Sun khuyến nghị, các nhà đầu tư cần chú ý đến vấn đề pháp lý tại Việt Nam. “Nhiều doanh nghiệp sản xuất Hàn Quốc chưa quan tâm tới vấn đề này. Không chỉ xin được giấy phép đầu tư rồi là xong mà cần xem xét kỹ về các hợp đồng, các vấn đề pháp lý và thông qua các văn phòng luật sư có uy tín để được tư vấn rõ ngay từ khi bắt đầu xin cấp phép đầu tư”.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, trong thế giới có nhiều chuyển động mạnh mẽ, cạnh tranh khốc liệt thì tranh chấp thương mại có xu hướng gia tăng. Cộng đồng doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn nhất, do đó bên cạnh việc phải tiếp tục đa dạng đa phương hóa các quan hệ đối tác, bạn hàng để phân tán rủi ro, việc tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược, các bạn bè thân thiết có ý nghĩa như những bến đỗ an toàn cho sự nghiệp kinh doanh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hợp tác làm ăn phải chú ý đến vấn đề pháp lý, hợp đồng để bảo vệ cho nhau, phòng tránh được rủi ro để hợp tác một cách bền vững.

“Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc với mạng lưới rộng lớn là các luật sư, các chuyên gia, các trọng tài viên am hiểu pháp luật và chuyên môn trong việc xử lý tranh chấp và tư vấn pháp luật. Đây sẽ là điểm tựa an toàn cho các nhà kinh doanh Việt Nam và Hàn Quốc trong quan hệ đầu tư kinh doanh thời gian tới”, ông Lộc nói.