18:59 21/05/2021

Thủ tướng: Cần sáng tạo tìm giải pháp để có nguồn lực xây cao tốc

Tiến Dũng

Tại buổi làm việc về chủ trương xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030 sáng ngày 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải hài hòa giữa các vùng miền nhưng tập trung cho những vùng động lực...

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải bên lề cuộc họp - Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải bên lề cuộc họp - Ảnh: VGP.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong xây dựng cao tốc, không được trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội là chính, kể cả nguồn lực trong và ngoài nước...

SÁNG TẠO, KHÔNG Ỷ LẠI VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

"Không trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội là chính, kể cả nguồn lực trong và ngoài nước. Đổi mới tư duy quản lý, đẩy mạnh phân cấp, quy trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; huy động sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân, các ngân hàng", Thủ tướng quán triệt tại cuộc họp. 

 

Phải vắt óc suy nghĩ, chủ động hơn, sáng tạo hơn để tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả; đặt lợi ích quốc, gia dân tộc lên trên hết, trước hết; chống cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

THỦ TƯỚNG

PHẠM MINH CHÍNH

Về nguồn lực xây dựng cao tốc, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư (PPP), tránh trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước. Đi liền với đó là cơ chế chính sách phải bám sát thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo.

Thủ tướng nhấn mạnh trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ rất nặng, công việc rất nhiều, nhu cầu, mục tiêu rất cao nhưng nguồn lực và thời gian có hạn, do đó, phải đầu tư công sức nhiều hơn.

"Phải vắt óc suy nghĩ, chủ động hơn, sáng tạo hơn để tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả; đặt lợi ích quốc, gia dân tộc lên trên hết, trước hết; chống cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm", người đứng đầu Chính phủ quán triệt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp - Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp - Ảnh: VGP.

Thủ tướng nhắc lại và tiếp tục nhấn mạnh quan điểm các dự án cao tốc phải triển khai theo hình thức PPP là chính, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ rủi ro.

Quan điểm dứt khoát là dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các địa phương phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án.

Căn cứ vào tình hình cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí (tối đa 50%) cho phần xây lắp tại các dự án. Nguồn vốn Nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi” dẫn dắt các nguồn vốn khác.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2011-2020, cả nước đã đưa vào khai thác 1.163 km cao tốc. Phấn đấu tới năm 2025, cả nước có 3.171 km, đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc.

Về phương hướng giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn 2030, Thủ tướng yêu cầu phân tích cụ thể tình hình, làm rõ nhu cầu phát triển đường cao tốc, các điều kiện hiện nay, những thuận lợi (kinh nghiệm 20 năm làm cao tốc), những khó khăn (ngân sách nhà nước có hạn, các bộ, ngành địa phương vào cuộc chưa đồng đều, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại).

Từ đó, xác định các mục tiêu về số km cao tốc đạt được tới năm 2025 và năm 2030, trong đó, tập trung cho cao tốc Bắc - Nam phía đông, vùng Nam Bộ, Tây Nguyên và các tuyến vành đai của Hà Nội, Tp.HCM...

NHÂN RỘNG CÁCH LÀM THÀNH CÔNG CỦA QUẢNG NINH, LẠNG SƠN

Tại cuộc họp, các đại biểu cùng phân tích và đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu, phát huy các mô hình và cách làm hiệu quả đã dược một số địa phương triển khai thời gian qua. Trong đó, nổi bật là tỉnh Quảng Ninh khi kêu gọi đầu tư thành công cho nhiều dự án PPP trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các dự án kết cấu hạ tầng giao thông. 

Về đầu tư cao tốc, Quảng Ninh đã mạnh dạn áp dụng nhiều cơ chế mới như hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, linh hoạt trong phân chia dự án thành phần, xen giữa các đoạn đầu tư công với các đoạn đầu tư PPP, tạo hấp dẫn đối với nhà đầu tư và khả thi cho phương án tài chính dự án.

Tỉnh cũng quy hoạch và phát triển quỹ đất dọc đường cao tốc; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khai thác vật liệu phục vụ thi công xây dựng với thời gian ngắn, kiểm soát giá thị trường ổn định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: VGP.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: VGP.

Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc kêu gọi, vận động nhân dân nhường đất, nhường nhà. Nhờ đó, khâu khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng đã được giải quyết tốt.

Tỉnh luôn quyết liệt trong chỉ đạo và cải cách các thủ tục hành chính, đem lại niềm tin lớn đối với các nhà đầu tư, đem lại thành công cho các dự án với hiệu quả “nhìn thấy, sờ thấy được”.

Ngoài mô hình thành công tại tỉnh Quảng Ninh, còn một số tỉnh như Lạng Sơn, Tiền Giang cũng mạnh dạn đảm nhận vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổ chức thực hiện một số dự án cao tốc đem lại kết quả tốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.