Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường khẩn trương tháo gỡ các "điểm nghẽn" chính sách
Bộ phải tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách hiện hành để tìm ra các điểm nghẽn đang kìm hãm các nguồn lực cho sự phát triển, từ đất đai, môi trường cho đến khoáng sản, nước…, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
Tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan này trước hết ưu tiên tập trung xây dựng, ban hành ngay Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, bám sát và dựa vào thực tiễn, quy định pháp luật liên quan; tập trung chỉ đạo triển khai Kế hoạch ngay từ những ngày đầu thực hiện.
KHẨN TRƯƠNG THÁO GỠ "ĐIỂM NGHẼN" CHÍNH SÁCH
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi; lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025, theo đúng chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019.
Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì chủ động báo cáo ngay Quốc hội khóa mới tại kỳ họp đầu tiên, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay cấp bộ thì tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm ngay trong 3 tháng đến 6 tháng tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu và thực hiện đúng các nội dung của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ về phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14.
Rà soát chức năng, nhiệm vụ của Bộ, tổ chức bộ máy, các cơ quan thuộc Bộ đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục rà soát thể chế, cơ chế, chính sách hiện hành để tìm ra, chỉ rõ các chính sách, quy định đang kìm hãm các nguồn lực cho sự phát triển, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, từ đất đai, môi trường cho đến khoáng sản, nước…
"Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì chủ động báo cáo ngay Quốc hội khóa mới tại kỳ họp đầu tiên, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay cấp bộ thì tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm ngay trong 3 tháng đến 6 tháng tới", Thủ tướng chỉ đạo
TẬP TRUNG 5 NHIỆM VỤ CHÍNH, TRÊN TINH THẦN GIẢM PHIỀN HÀ, GIẢM SAI PHẠM
Tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào 5 nhiệm vụ chính, bao gồm: xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn kiểm tra, giám sát; thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật.
Tinh thần là làm sao chuyển từ bị động sang chủ động, tiền kiểm sang hậu kiểm để ít phiền hà nhất cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương; đồng thời giảm thiểu các sai phạm
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Đồng thời, Bộ cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân và xã hội. Đây là một trong các phương thức lãnh đạo của Đảng, đảm bảo công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực môi trường, phải tập trung và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức về môi trường, để người dân, doanh nghiệp, xã hội cùng tham gia bảo vệ môi trường, xã hội hóa công tác môi trường; chuyển từ bị động sang chủ động trong bảo vệ môi trường.
Trong phạm vi thẩm quyền và nguồn lực được giao, Bộ cần chủ động rà soát, lựa chọn, xác định các mục tiêu, dự án, đề án ưu tiên của ngành, để tập trung nguồn lực đầu tư, bảo đảm khả thi, hiệu quả, tạo động lực thực sự cho phát triển; tránh đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, hiệu quả thấp.
"Bộ cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực hợp pháp khác cho sự phát triển của ngành, phát huy tinh thần tự lực tự cường vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, trên nguyên tắc này, Bộ cần ưu tiên thực hiện nhanh việc chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường, xây dựng, hoàn thiện, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số. Nhất là trong quản lý tài nguyên đất đai, nền địa lý, tài nguyên nước, khoáng sản, quan trắc, cảnh báo môi trường, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu…