10:19 22/03/2007

Thủ tướng: Còn nhiều khâu yếu trong điều hành kinh tế

Đức Thọ ghi

Báo cáo trước Quốc hội, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng đã nêu lên một số yếu kém trong điều hành kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo nhiệm kỳ trước Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo nhiệm kỳ trước Quốc hội.
Báo cáo trước Quốc hội, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng đã nêu lên một số yếu kém trong điều hành kinh tế.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiệm kỳ 2002-2007 Chính phủ cũng đã vấp phải một số yếu kém cơ bản trong công tác điều hành nền kinh tế đất nước. Trong đó có việc nhận thức và điều hành theo thể chế kinh tế thị trường chưa thật sự đồng bộ trong cả hệ thống quản lý dẫn đến việc chất lượng của sự phát triển và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước còn thấp.

Về cơ bản, hệ thống luật pháp về kinh tế đã dần được hoàn thiện song vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu vận hành nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và toàn diện. Các quy định vận hành một số loại thị trường còn thiếu đồng bộ và chậm hoàn chỉnh, nhất là các thị trường quan trọng có ảnh hưởng và tác động lớn đến nền kinh tế như tài chính, bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ.

Một trong những trở ngại quan trọng là các quy định về quyền, lợi ích, trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường chưa đủ rõ ràng, minh bạch. Thủ tục hành chính cho hoạt động của doanh nghiệp còn phức tạp, rườm rà, chậm được cải cách. Không ít chính sách trợ giúp cho phát triển doanh nghiệp chưa được phát huy mạnh mẽ trên thực tế. Thị trường chứng khoán phát triển khá nhanh nhưng chưa vững chắc, thể chế quản lý chưa đồng bộ, năng lực quản lý còn bất cập.

Việc quản lý các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá và đã chuyển sang hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường còn nhiều bất cập. Việc sắp xếp lại các nông, lâm trường quốc doanh còn chậm. Chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn chưa thật hiệu quả, chưa có những chuyển biến đột phá và chưa huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển khu vực này.

Trong linh vực kinh tế đối ngoại, mặc dù trong năm vừa qua Việt Nam đã đạt được những bước đột phá cả về xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay thu hút vốn ODA song cũng phải thừa nhận thực tế là chính sách thu hút đầu tư chưa thật đồng bộ, môi trường đầu tư còn nhiều hạn chế, sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư còn thấp.

Đáng chú ý là công tác giải ngân nguồn vốn ODA vẫn còn thấp, quy trình thẩm định và phê duyệt chương trình, dự án còn phức tạp, giải phóng mặt bằng chậm... làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.

Về cơ bản, mức tăng trưởng kinh tế 5 năm qua vẫn thấp hơn so với khả năng và chậm hơn nhiều nước trong khu vực ở thời kỳ đầu công nghiệp hoá, chủ yếu dựa vào các nhân tố phát triển theo chiều rộng, vào những ngành sản xuất có công nghệ thấp, tiêu hao vật chất cao, sử dụng nhiều tài nguyên, vốn và lao động; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp ; năng suất lao động và hiệu quả kinh tế tăng chậm. Thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ thuế nhập khẩu và dầu thô.

Việc khai thác, sử dụng tài nguyên, đất đai và các nguồn lực của đất nước hiệu quả chưa cao. Các nguồn lực trong dân còn nhiều tiềm năng chưa được phát huy. Thực hiện chưa thật tốt việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Môi trường ở nhiều nơi còn bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.

Thủ tướng kết luận, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trên cả 3 cấp độ: cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh ngành sản phẩm và cạnh tranh của doanh nghiệp. Thể hiện rõ nhất là về môi trường kinh tế vĩ mô và trình độ quản lý còn nhiều hạn chế; trình độ công nghệ và cơ sở hạ tầng kinh tế còn lạc hậu; giá thành, chi phí kinh doanh cao, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn thấp.