Thủ tướng đặt hàng Viettel làm "thay đổi thế giới"
"Với tất cả niềm tin, tôi đặt hàng Viettel bài toán thách thức này"
"Lịch sử cho thấy có những doanh nghiệp không chỉ cung cấp cho thế giới những sản phẩm, dịch vụ tuyệt vời mà quan trọng hơn, họ đã làm thay đổi thế giới, phương thức sống và sinh hoạt của con người. Với tất cả niềm tin, tôi đặt hàng Viettel bài toán thách thức này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại lễ kỷ niệm 10 năm Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đầu tư ra nước ngoài, sáng 17/12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, 10 năm trở lại đây, Viettel đã vươn lên mạnh mẽ trở thành tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, đồng thời là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài thành công với quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao là viễn thông và công nghệ thông tin. Viettel đã và đang liên tục tăng trưởng mạnh, đứng trong tốp đầu về doanh thu, nộp ngân sách nhà nước và hiện là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất Việt Nam.
Theo Thủ tướng, kết quả đạt được trên của Viettel đã tạo niềm tin cho cộng đồng quốc tế, các đối tác nước ngoài; đồng thời điều đặc biệt quan trọng là đã truyền cảm hứng và sự tự tin cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. Các dự án đầu tư của Viettel còn là nhịp cầu nối quan trọng giúp tăng cường và thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
“Trong thời đại hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách mở rộng thị trường của mình, tham gia sâu vào thị trường quốc tế, phải học cách kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn quốc tế”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Viettel “thắng không kiêu, bại không nản”, Viettel đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, không chỉ theo nghĩa có quy mô lớn, mà còn theo nghĩa là nhà đầu tư đích thực, có năng lực giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành viễn thông của tất cả các quốc gia mà Viettel đầu tư.
Vì thế, ông cho rằng, một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản quốc gia, Viettel phải bảo vệ thương hiệu của mình như bảo vệ tài sản của quốc gia, đồng thời chú trọng công tác dự báo, phân tích và quản trị rủi ro.
Cũng theo Thủ tướng, Viettel đã tạo ra một mẫu hình tăng trưởng mới cho Việt Nam, nên chúng ta không thể cứ khai thác tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ mà cần đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên sự đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao.
Theo Thủ tướng, trong một thế giới phẳng, Viettel cần mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng các phương thức kinh doanh mới, bao gồm cả sáp nhập và mua bán. Viettel đã đi đầu và sẽ phải là nòng cốt trong bước chuyển về sức canh tranh và hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam, Viettel cần có chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực để nâng cao sức mạnh tổng thể của Tập đoàn, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
“Trong 10 năm tới, Viettel toàn cầu không phải chỉ 10 nước như hôm nay mà sẽ là gấp 2, gấp 3 lần, với thị trường vượt ngưỡng tỷ người. Chúc Viettel đạt được ước vọng của mình là trở thành một tập đoàn toàn cầu, nằm trong số 20 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nó.
Tại lễ kỷ niệm trên, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, sau 10 năm tham gia hoạt động đầu tư quốc tế, Viettel nay đã xuất hiện tại 11 quốc gia với quy mô dân số 320 triệu dân, gấp 3 lần dân số Việt Nam. Trong đó 9/10 thị trường nước ngoài đã đi vào kinh doanh ổn định, còn dự án Myanmar đang trong giai đoạn chuẩn bị. Viettel hiện phục vụ 100 triệu khách hàng, trong đó, số khách hàng quốc tế là hơn 35 triệu, tăng 12 lần kể từ khi khai trương thị trường nước ngoài đầu tiên, nhờ vậy Viettel được xếp hạng top 30 tập đoàn viễn thông có số lượng khách hàng lớn nhất trên thế giới.
Lãnh đạo Viettel cũng cho biết, doanh thu của tập đoàn tại thị trường nước ngoài là 1,4 tỷ USD mỗi năm, tốc độ tăng trưởng hàng năm là trên 25%, tạo công ăn việc làm cho trên 10.000 người nước ngoài. Tổng số tiền Viettel đã đầu tư vào các nước này là 2,4 tỷ USD. Số tiền đã thu về là 1 tỷ USD, những năm gần đây mỗi năm thu về khoảng 200 triệu USD và số này tăng theo các năm, năm 2017 dự kiến là 250 triệu USD.
Đến nay, tại 5/9 nước Viettel đã giữ vị trí số 1,tất cả các nước đã kinh doanh trên 3 năm đều có lãi và đều nằm trong top 2 công ty lớn nhất.