Thủ tướng gặp gỡ "những người bạn Hàn Quốc": Biến tình cảm với Việt Nam thành hành động, dự án cụ thể
Chiều 30/6, tại Thủ đô Seoul, bắt đầu chương trình chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp xúc động với những người bạn Hàn Quốc...
Cùng tham dự cuộc gặp có các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam, lãnh đạo Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đại diện các tổ chức, như Hội Hữu nghị Hàn-Việt, Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, huấn luyện viên bóng đá Park Hang-seo…
TÌNH CẢM ĐẶC BIỆT DÀNH CHO VIỆT NAM
Những người bạn Hàn Quốc phát biểu nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tới thăm Hàn Quốc, đánh giá cao nỗ lực vươn lên và những thành tựu phát triển mạnh mẽ của Việt Nam.
Các đại biểu bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ song phương và tự hào là những người bạn của Việt Nam; báo cáo về các hoạt động thiết thực để góp phần thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, như giúp đỡ phụ nữ, lưu học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, hỗ trợ, xây dựng nhà tình thương cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam, triển lãm ảnh về các di sản thế giới của Việt Nam, về Biển Đông, tổ chức hội thảo kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Các đại biểu khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam với các sáng kiến, công việc cụ thể để đóng góp cho quan hệ hai nước, ủng hộ đất nước Việt Nam ngày càng phát triển phồn vinh, người dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc.
Chủ tịch Tổ chức Tình nguyện quốc tế của Hàn Quốc Yun Eun Ho đánh giá, Việt Nam là nước phát triển nhanh hàng đầu châu Á. Điểm lại hàng loạt những nét tương đồng về văn hóa-lịch sử giữa hai nước, ông khẳng định đây là những nguyên nhân khiến nhân dân hai nước rất gần gũi với nhau.
Ông nhắc tới lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên", đồng thời nhắc lại lời Tổng thống Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong chính sách đối ngoại tại khu vực Đông Nam Á và trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc.
Chủ tịch Hội Giao lưu kinh tế, văn hóa Hàn Quốc-Việt Nam (KOVECA) Kwon Sung Taek khẳng định, Việt Nam là nước láng giềng gần gũi, bạn bè thân thiết của Hàn Quốc, hai nước thậm chí đã trở thành "thông gia" của nhau.
"Việc nhập cảnh vào Việt Nam là chủ đề được các doanh nhân Hàn Quốc nhắc đến nhiều nhất, Việt Nam là một trong những nơi được người Hàn Quốc lựa chọn nhiều nhất để di du lịch. Do đó, trước chuyến thăm này, chúng tôi tràn đầy kỳ vọng hơn bất kỳ chuyến thăm của lãnh đạo Chính phủ, nguyên thủ quốc gia nào tới Hàn Quốc", ông nói.
Ông Park Hang-seo, nguyên Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam cho biết những chiến thắng của đội tuyển Việt Nam không chỉ là niềm vui của người hâm mộ Việt Nam, mà còn là niềm vui của người dân Hàn Quốc. Bóng đá đã đóng vai trò cầu nối, thúc đẩy hiểu biết giữa hai dân tộc, hình thành những mối liên kết vượt ra ngoài bóng đá. Ông cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực góp phần kết nối hai nền văn hóa, hai đất nước, nhân dân hai nước.
Ông Ahn Kyong-Hwan, Hiệu trưởng đối ngoại Trường Đại học Nguyễn Trãi (nguyên Chủ tịch Hội Nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc), cho biết đã dịch "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Minh, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Bình ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi, hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm".
Ông trích dẫn hai câu thơ "Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong" trong bài "Cảm tưởng đọc thiên gia thi" của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nói về tinh thần, ý chí quật khởi của người Việt Nam. Ông cũng cho biết sắp tới, ông sẽ dịch "Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo sang tiếng Hàn.
HỢP TÁC KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ VỪA LÀ TRỤ CỘT, VỪA LÀ ĐỘNG LỰC
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng, xúc động được gặp những người bạn rất đỗi gần gũi, thân thiết của nhân dân Việt Nam, những người đã kế thừa, nuôi dưỡng và không ngừng đóng góp, cống hiến cho quan hệ hai nước Việt Nam, Hàn Quốc trong hơn 30 năm qua; cảm ơn những phát biểu tâm huyết, chân thành, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc với Việt Nam cũng như quan hệ hai nước, nền văn hóa hai nước.
Đặc biệt, Thủ tướng trân trọng chuyển lời cảm ơn, thăm hỏi, lời chúc mừng, chúc sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới những người bạn Hàn Quốc, đồng thời cảm ơn tác giả Jo Chul Hyeon vì cuốn sách về cuộc đời Tổng Bí thư được xuất bản tại Hàn Quốc đúng dịp ngày sinh lần thứ 80 (ngày 14/4/2024) của Tổng Bí thư.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ, ngưỡng mộ và mong muốn học tập kinh nghiệm, những thành quả mà đất nước, nhân dân Hàn Quốc đạt được trong những thập kỷ qua, trở thành đất nước phát triển trong thời gian ngắn.
Từ khi thiết lập quan hệ đến nay, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển hết sức mạnh mẽ, thực chất và đạt được nhiều thành tựu to lớn, bước tiến vượt bậc. Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, giao lưu nhân dân giữa hai nước không ngừng phát triển, có ý nghĩa quan trọng, là cầu nối vững chắc cho mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc. Hiện có hơn 200.000 người Việt Nam ở Hàn Quốc và hơn 200.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam; hơn 80.000 gia đình đa văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc.
Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Chủ tịch Hội Hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam; Chủ tịch Hội Những người yêu Việt Nam; Ông Park Hang Seo - nguyên Hấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam; Ông Ahn Kyong-Hwan - Hiệu trưởng đối ngoại Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: VGP.
Hai nước luôn tạo cơ hội, điều kiện và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân nước này sinh sống, học tập, làm việc ở nước kia. Đồng thời, tình cảm giữa người dân hai nước được thể hiện rất sinh động, qua những việc làm rất cụ thể.
Hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư vừa là trụ cột, vừa là động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước. Hàn Quốc hiện giữ vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp (tổng số vốn luỹ kể đến nay đạt 87 tỷ USD); số 2 về hợp tác phát triển và du lịch; và số 3 về hợp tác lao động và thương mại (đạt 76 tỷ USD năm 2023).
Giao lưu văn hóa giữa hai nước rất sôi động, các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc như phim ảnh, ca nhạc… được người dân Việt Nam đón nhận một cách tự nhiên. Theo Thủ tướng, điều này một phần là nhờ sự tương đồng về văn hóa-lịch sử giữa hai nước, đơn cử như các đại biểu đã đề cập, nhân dân hai nước đều có truyền thống "trung hiếu với Tổ quốc, hiếu thảo với cha mẹ".
Về khoa học công nghệ, hợp tác nghiên cứu về công nghệ sinh học, vật liệu xây dựng, chíp bán dẫn… đang được thúc đẩy.
Trên cơ sở tin cậy về chính trị, tương đồng về văn hóa, gần gũi về địa lý, bổ trợ cho nhau về kinh tế, cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược chung, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào ngày 5/12/2022. Hai nước luôn ủng hộ, hỗ trợ nhau trên các diễn đàn quốc tế.
"Tóm lại, quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, hiệu quả, có lợi cho hai đất nước, hai dân tộc và người dân hai nước", Thủ tướng nói.
Trong đó, các tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã bền bỉ, không ngừng nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động có hiệu quả cao, thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa nhân dân và doanh nghiệp hai nước, góp phần gắn kết, tạo nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, củng cố sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng chân thành cảm ơn các tổ chức, cá nhân, những người bạn Hàn Quốc vì tình yêu, sự ủng hộ và những nỗ lực dành cho Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh tình cảm, sự trân quý của nhân dân Việt Nam, đoàn đại biểu Việt Nam với đất nước, nhân dân Hàn Quốc.
LẮNG NGHE, THẤU HIỂU, CÙNG LÀM, CÙNG THẮNG
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh những vấn đề toàn cầu, toàn dân đều tác động tới mọi quốc gia, mọi người dân, mà Covid-19 là một ví dụ điển hình, hơn lúc nào hết, cần cách tiếp cận toàn cầu, phát huy đoàn kết, thống nhất, đề cao chủ nghĩa đa phương, đồng thời có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, không ai bị bỏ lại phía sau.
"Đoàn kết, thống nhất giữa hai nước là rất quan trọng và điều này giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thách thức, đây là tài sản quý giá cần phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: 'Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công'; 'Biết đồng sức, biết đồng lòng, việc gì khó, cũng làm xong'. Dân tộc Hàn Quốc cũng có câu ngạn ngữ: 'Đồng sức, đồng lòng, thắng cả trời cao'", Thủ tướng nói.
Cũng tại cuộc gặp, Thủ tướng đã chia sẻ với các đại biểu về những đau thương, mất mát của đất nước, người dân Việt Nam do các cuộc chiến tranh, bao vây, cấm vận trong thế kỷ XX; giới thiệu những nét chính trong đường lối, chính sách xây dựng, bảo vệ đất nước, những thành tựu phát triển to lớn, mang tính lịch sử của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới và tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2024.
Theo Thủ tướng, nhờ nỗ lực nội tại và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó Hàn Quốc, Việt Nam đã vượt qua những thời khắc khó khăn nhất.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với Hàn Quốc. Trên cơ sở thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam coi trọng quan hệ với Hàn Quốc và mong muốn đưa hợp tác hai nước tiếp tục có bước chuyển thực chất, hiệu quả và lâu dài, tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân Hàn Quốc tiếp tục dành tình cảm cho Việt Nam, "đã yêu quý rồi thì yêu quý nhiều hơn nữa", chuyển tình cảm này thành những hành động, dự án, chương trình hợp tác cụ thể, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm và có hiệu quả cụ thể".
Thủ tướng cũng kêu gọi và mong muốn người dân, các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, làm ăn, sinh sống tại Việt Nam và khẳng định sẽ được đối xử công bằng, bình đẳng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đóng góp cho tình hữu nghị của hai nước, sự hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước và hạnh phúc, ấm no của nhân dân hai nước.
"Chúng ta cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển, với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"", Thủ tướng nói.