16:01 26/06/2021

Thủ tướng: Gỡ nút thắt, thúc đẩy để có vaccine trong nước nhanh nhất

Nguyên Lê

Tại buổi làm việc với Công ty Nanogen, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu thành lập tổ "hành động hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao và sản xuất vaccine phòng chống Covid-19", giao cho một người có thẩm quyền có thể xử lý nhằm thúc đẩy có vaccine trong nước nhanh nhất có thể...

"Phải cắt giảm tối đa thủ tục hành chính ngăn trở quá trình thử nghiệm sản xuất vaccine. Phải hỗ trợ doanh nghiệp về các quy định, quy chế và Bộ Y tế phải cùng với công ty làm nhanh nhất để giải quyết các vấn đề cấp bách về vaccine hiện nay".

Trong buổi làm việc sáng nay (26/6/2021) với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Công ty  NANOGEN) Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói như vậy. Đó cũng chính là nút thắt cần gỡ đang xảy ra tại nơi sản xuất vaccine chống Covid-19 này.

SẢN XUẤT VACCINE TRONG NƯỚC LÀ QUAN TRỌNG NHẤT

NANOGEN chính là doanh nghiệp đã gửi Công văn số 15-02/2021/NNG-CV về việc "Xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nanocovax", gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 15/6/2021. Công văn này đã làm nổi lên các luồng ý kiến với các góc nhìn khác nhau trên các phương tiện truyền thông.

Tại buổi làm việc hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ Việt Nam đang có chiến lược giải quyết vaccine với ba ý rất rõ ràng: Một, đẩy nhanh việc mua vaccine, thứ hai là chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thứ ba, là sản xuất vaccine trong nước. Thủ tướng cho rằng vấn đề sản xuất được vaccine là quan trọng nhất. Và đó cũng là lý do Thủ tướng nhấn mạnh tới lộ trình làm việc với WHO làm sao cho sớm nhất đáp ứng nhu cầu vaccine, có được vaccine với tinh thần thần tốc, nhanh nhất có thể. 

Cũng theo Thủ tướng cuộc làm việc hôm nay còn để mình “tận mắt chứng kiến nơi sản xuất, và kiểm tra về tiến độ, năng lực sản xuất của công ty để đẩy nhanh việc sản xuất vaccine trong nước".

GỠ NÚT THẮT ĐẨY NHANH QUY TRÌNH THỬ NGHIỆM

Về phía Công ty Nanogen, ông Hồ Nhân - Tổng giám đốc Công ty cho biết đơn vị sẽ hoàn thành giai đoạn 3A, 3B tiêm cho 13.000 người trong 10 ngày tới. Và sang tháng 7/2021 sẽ chuyển sang giai đoạn 3C tiêm cho 1 triệu người, ở cả miền Nam và miền Bắc. Hiện mẫu vaccine của Nanogen cũng đã được gửi cho WHO kiểm tra. Ngoài ra có vài chục nước, có cả Ấn Độ, đã ký biên bản ghi nhớ đề nghị Nanogen hợp tác phân phối vaccine sau khi hoàn tất thử nghiệm. 

Công ty NANOGEN cũng báo cáo với Thủ tướng rằng việc sản xuất vaccine của công ty luôn đặt tiêu chuẩn an toàn lên hàng đầu cùng với tính sinh miễn dịch và có hiệu lực bảo vệ. Qua các giai đoạn đã triển khai thử nghiệm đến nay cho thấy vaccine không chỉ an toàn mà còn đảm bảo tính sinh miễn dịch và có hiệu lực bảo vệ thực sự. Tổng Giám đốc Công ty NANOGEN Hồ Nhân khẳng định: "Hiện chúng tôi vẫn đang triển khai nghiên cứu thử nghiệm, điều chỉnh để làm sao vaccine đảm bảo an toàn, có hiệu quả nhất theo quy định".

Công ty NANOGEN sẽ hoàn thành giai đoạn 3A, 3B tiêm cho 13.000 người trong 10 ngày tới. 
Công ty NANOGEN sẽ hoàn thành giai đoạn 3A, 3B tiêm cho 13.000 người trong 10 ngày tới. 

Và cuối cùng, nút thắt của doanh nghiệp muốn nói cũng đã được đề đạt lên Thủ tướng. "Tôi mong mỏi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ y tế sâu sát hơn nữa, cử một đội chuyên hành động lo về vấn đề sản xuất vaccine để tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thực tế hiện nay quy trình thủ tục rất nhiều khâu, phải chịu áp lực, chờ đợi," Tổng giám đốc Hồ Nhân nói.

Tháo gỡ nút thắt trên, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu thành lập tổ "hành động hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao và sản xuất vaccine phòng chống Covid-19". Tổ này giao cho một người có thẩm quyền có thể xử lý nhằm thúc đẩy có vaccine trong nước nhanh nhất có thể nhưng phải đảm bảo các quy chuẩn an toàn khoa học.

Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù đẩy nhanh tiến độ nhưng nguyên tắc là phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, an toàn, khoa học, hiệu quả (ngăn dịch, chi phí cạnh tranh) để bảo vệ sức khỏe người dân. "Trong lúc nước sôi lửa bỏng phải chạy thôi, phải đẩy nhanh quy trình thử nghiệm". Thủ tướng cũng không quên nhắc: “Công ty NANOGEN phải làm rõ một số vấn đề về công nghệ áp dụng, nguyên liệu đầu, so sánh chất lượng với các loại vaccine khác, khả năng sản xuất và giá cả”.