20:05 15/02/2024

Thủ tướng lái máy cấy, động viên nông dân sản xuất nông nghiệp

Chương Phượng

Chiều 15/2/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi thăm đồng và động viên nông dân sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Hải Dương. Thủ tướng đã trực tiếp lái máy cấy trên cánh đồng Xuân tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang; cùng thu hoạch cà rốt với nông dân ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng; sau đó cắt băng chúc mừng xuất khẩu lô hàng cà rốt sang thị trường Nhật Bản…

Thủ tướng lái máy cấy trên cánh đồng "không dấu chân" ở xã Hưng Long. Ảnh: VPG.
Thủ tướng lái máy cấy trên cánh đồng "không dấu chân" ở xã Hưng Long. Ảnh: VPG.

Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, năm 2023 tổng giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản của tỉnh đạt 22.542 tỷ đồng, tăng 4,08% so với năm 2022); giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản năm 2023 đạt 198,6 triệu đồng/ha, dự kiến năm 2025 có thể đạt 215 triệu đồng/ha. Hải Dương là tỉnh có thế mạnh sản xuất cây rau vụ đông, giá trị sản xuất cây vụ Đông đạt 223,5 triệu đồng/ha cao gấp hơn 2,2 lần các tỉnh phía bắc.

 CÁNH ĐỒNG “KHÔNG DẤU CHÂN”: MÔ HÌNH MỚI TẠI HẢI DƯƠNG

Xuống đồng động viên nông dân sản xuất lúa vụ Đông Xuân tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm khu vực sản xuất mạ khay và cánh đồng gieo sạ bằng máy. Sau khi nghe báo cáo về tình hình sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2024 và việc ứng dụng cơ giới hóa trong gieo cấy lúa, mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất lúa (cánh đồng không dấu chân) tại Hải Dương, Thủ tướng đã trực tiếp ngồi máy cấy để điều khiển cấy lúa trên cánh đồng, trong tiết trời lất phất mưa xuân.

Thủ tướng thăm khu vực sản xuất mạ khay và cánh đồng gieo sạ bằng máy. Ảnh: VGP.
Thủ tướng thăm khu vực sản xuất mạ khay và cánh đồng gieo sạ bằng máy. Ảnh: VGP.

“Cánh đồng không dấu chân” là mô hình mới tại Hải Dương, toàn bộ các khâu sản xuất đều được cơ giới hóa. Trong đó, áp dụng ma khay cấy máy, mạ được gieo trong các khay nhựa chuyên dụng, sau đó chuyển lên máy cấy. Sau 3 năm thực hiện dự án thí điểm do Trung tâm Khuyến nông Hải Dương triển khai, tính đến cuối năm 2023, tỉnh đã gieo cấy trên 1.000 ha lúa theo mô hình mạ khay cấy máy. Theo tính toán, việc này giúp tăng năng suất lao động trên 16 lần; giảm 30% lượng hạt giống và 1 lần phun thuốc bảo vệ thực vật; năng suất lúa cao hơn sản xuất đại trà từ 2,46 - 6,91%, giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 41,9 - 66,6% so với sản xuất lúa ngoài mô hình.

Chủ nhiệm hợp tác xã mạ khay – máy cấy Thái Long cho biết gần đây, trong 5 khâu sản xuất nông nghiệp thì 4 khâu đã cơ giới hóa, ứng dụng nhiều máy móc (gồm làm đất, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch), công nghệ mạ khay - cấy máy giúp cơ giới hóa khâu còn lại là gieo trồng, từ đó giúp hình thành các "cánh đồng không dấu chân".

Vui mừng được đón Thủ tướng, bà con cho biết đời sống nông dân, bộ mặt nông thân những năm gần đây đổi thay mạnh mẽ. Hiện thu nhập bình quân đầu người trong xã đã được nâng lên 68,9 triệu đồng/người/năm. Bà con nông dân tại xã Hưng Long cũng tích cực ứng dụng các công nghệ, giải pháp mới trong sản xuất, như phun thuốc, bón phân bằng các thiết bị bay không người lái.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng hợp tác xã mạ khay – máy cấy Thái Long đã hoạt động hiệu quả, được nông dân trong xã tín nhiệm; phấn khởi khi bà con đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, giảm chi phí, bớt lao động nặng nhọc, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp, gợi ý việc hình thành các hợp tác xã chuyên môn (chuyên về từng khâu trong sản xuất) và liên kết, hỗ trợ nông dân, phát triển kinh tế chia sẻ. Trong quá trình này phải luôn thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư phát triển hạ tầng để giảm chi phí logistics.

Thủ tướng đề nghị từng cấp xã, huyện, tỉnh phải sâu sát, nắm chắc tình hình, chủ động, tích cực hỗ trợ người nông dân theo thẩm quyền, với các vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tích cực cùng người nông dân đề xuất các chính sách từ cơ sở thực tiễn.

Trước vướng mắc hiện nay của mô hình hợp tác xã mạ khay – máy cấy Thái Long là chưa được bố trí diện tích đất sản xuất, phải đi thuê, mượn đất, Thủ tướng đề nghị các cơ quan nghiên cứu giải quyết, bố trí đất đai phù hợp cho mô hình canh tác mới.

Thủ tướng gợi ý có thể bố trí từ 5-10% diện tích đất lúa cho diện tích mạ khay và sau đó có thể cấy lúa trên chính diện tích đất gieo mạ này. Chính quyền địa phương phải nghiên cứu hình thức hỗ trợ phù hợp, vận dụng hình thức hợp tác công tư trên tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ.

THỦ TƯỚNG CHIA VUI VỚI NÔNG DÂN VÙNG CHUYÊN CANH CÀ RỐT 

Tiếp đó, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thăm vùng sản xuất cà rốt tập trung phục vụ xuất khẩu; thăm Hợp tác xã Đức Chính, cơ sở sơ chế, đóng gói cà rốt và cắt băng chúc mừng xuất khẩu lô hàng cà rốt đầu Xuân Giáp Thìn tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng. Sau khi nghe báo cáo về tình hình sản xuất và tiêu thụ cà rốt, Thủ tướng đã nói chuyện, động viên và cùng thu hoạch cà rốt với người dân.

Thủ tướng thu hoạch cà rốt cùng nông dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng. Ảnh: VPG.
Thủ tướng thu hoạch cà rốt cùng nông dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng. Ảnh: VPG.

Xã Đức Chính có diện tích đất tự nhiên 719,17 ha. Trong đó diện tích trồng cà rốt khoảng 360ha, sản lượng 15 ngàn tấn. Ngoài sản xuất tại địa phương, nông dân xã Đức Chính còn đi Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên... thuê đất trồng cà rốt, với tổng diện tích khoảng 1.100 ha, sản lượng 45 ngàn tấn/năm. Toàn bộ cà rốt trồng tại xã và trồng ở nơi khác được đưa về nhà máy tại xã để sơ chế, phân loại, đóng gói phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Trực tiếp xuống đồng thu hoạch cà rốt cùng nông dân, nói chuyện, động viên bà con, cắt băng chúc mừng xuất khẩu lô hàng cà rốt đầu Xuân Giáp Thìn 2024 đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Thủ tướng biểu dương mô hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà rốt của xã Đức Chính.

Thủ tướng đề nghị cần đầu tư chế biến sâu, tự động hóa nhiều hơn để nâng cao chất lượng, giảm giá thành và tạo sự cạnh tranh cao hơn cho sản phẩm. Thủ tướng gợi ý hợp tác xã có thể vay thêm vốn với sự hỗ trợ của ngân hàng; cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện, xã vào cuộc cùng người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nhiều hơn nữa, xây dựng các nhà máy hiện đại hơn, công nghệ cao hơn, quy mô lớn hơn; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và xanh hóa, số hóa sản xuất.

Thủ tướng cắt băng chúc mừng xuất khẩu lô hàng cà rốt đầu Xuân Giáp Thìn tại xã Đức Chính. Ảnh: VPG.
Thủ tướng cắt băng chúc mừng xuất khẩu lô hàng cà rốt đầu Xuân Giáp Thìn tại xã Đức Chính. Ảnh: VPG.

Theo Thủ tướng, tỉnh Hải Dương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, nhất là ngành trồng trọt; đề nghị Hải Dương tập trung chuyển đổi và phát triển các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn để phục vụ thị trường.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại; quy hoạch vùng nguyên liệu; chủ động mời gọi, kết nối, giúp đỡ các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm cho người dân, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, ngân hàng và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định, xanh, bền vững, giúp bà con nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Hải Dương đã chú trọng và là một trong những địa phương đi đầu trong cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng, với hầu hết các khâu sản xuất đều đã áp dụng cơ giới hóa.

Thủ tướng mong muốn Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trên tất cả các khâu sản xuất nông nghiệp; đồng thời thực hiện các giải pháp thúc đẩy các chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, hướng tới tỉnh có nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.