23:52 31/12/2024

Thủ tướng muốn Bộ Tài chính "vượt qua chính mình", đề xuất nhiều hơn chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Hoàng Lan

Để phát huy hiệu quả của chính sách tài khoá trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tài chính chủ động hơn trong việc đề xuất chính sách miễn, giảm thuế, phí; tiết kiệm chi; phối hợp với các bộ/ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị tổng kết công tác tài chính, ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị tổng kết công tác tài chính, ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Chiều 31/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ công tác tài chính - ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng ngành tài chính đã cơ bản hoàn thành các mặt công tác năm 2024, nhất là hoàn thành xuất sắc công tác thu, chi. Năm 2024, thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, vượt dự toán hơn 300.000 tỷ đồng, còn chi thì tiết kiệm.  Các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi trong giới hạn cho phép.

Thủ tướng nhấn mạnh 2025 là năm tăng tốc để về đích, vì vậy, chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ phải tiếp tục thực thi theo định hướng linh hoạt, kịp thời để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 8%, tạo tiền đề cho những năm tới đây tăng trưởng 2 con số.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính mạnh dạn đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính mạnh dạn đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Thủ tướng đề nghị ngành tài chính tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.

Thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần tăng thu, tiết kiệm chi. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách để tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước. Ông gợi mở phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, nghĩ sâu làm lớn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, từ đó mới khai thác mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Thủ tướng yêu cầu nguồn lực từ tiết kiệm chi phân bổ hiệu quả, 10% đưa vào phát triển hạ tầng, 5% để xóa nhà tạm cho nhân dân, các đối tượng thuộc diện nghèo khó khăn ở vùng núi, biên giới hải đảo.

Thứ hai, Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính cần mạnh dạn đề xuất các chính sách miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

 

"Như năm nay thì nên đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho cả năm nhưng bộ lại chỉ làm trong 6 tháng. 6 tháng nữa, với tình hình kinh tế có nhiều khó khăn như thế này, các đồng chí lại phải tiếp tục đề xuất. Cho nên, Bộ Tài chính nên rút kinh nghiệm, làm gì thì làm nên phải chọn cái hiệu quả nhất”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng cũng phê bình Bộ Tài chính về việc đề xuất giảm thuế phí, lệ phí cho doanh nghiệp có lúc chưa kịp thời, mà còn thận trọng quá, chưa vượt qua chính mình. Đơn cử việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho một số nhóm hàng hóa dịch vụ có thuế suất 10%, từ khi có đại dịch COVID-19 đến nay đã 6 lần đề xuất và áp dụng chính sách rồi. Nhưng mỗi lần đề xuất lại cứ rà soát đi, rà soát lại.

Thủ tướng cũng nói thêm, năm 2024, tổng số miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân ước gần 200.000 tỷ đồng, mà ngân sách vượt thu hơn 300.000 tỷ đồng. Ba năm vừa qua, thu ngân sách đều vượt so với dự toán. Rõ ràng chính sách hỗ trợ có tác dụng nên BộTài chính cần mạnh dạn đề xuất kịp thời.

Thứ ba, công tác phối hợp giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành, địa phương cần nhanh hơn, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Sớm khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó điểm nghẽn lớn nhất vẫn là thể chế, nhiều thủ tục còn rườm rà.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mạnh dạn cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ông cũng lưu ý các dự án mà kéo dài là đội vốn, gây nên lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng và gợi gợi ý hoàn thiện cơ chế theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh hơn; trên tinh thần địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Các công trình dở dang là do nguyên nhân nào, phải có người chịu trách nhiệm.

Thứ tư, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng hoàn thiện Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Luật 69); cơ cấu lại, đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực trên 4 triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.