11:54 10/02/2014

Thủ tướng tiếp tục có ý kiến về đề án lập hai quận Từ Liêm

Bảo Anh

Đề án thành lập hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm đã gây không ít ý kiến trái chiều trong dư luận

Đề án thành lập quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm đã được Chính phủ thông qua vào cuối tháng 12/2013.<br>
Đề án thành lập quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm đã được Chính phủ thông qua vào cuối tháng 12/2013.<br>
Văn phòng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết và trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Kiên về một số vấn đề liên quan đến đề án thành lập hai quận Từ Liêm, Hà Nội.

Theo đó, thừa lệnh Thủ tướng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Quang Thắng cho biết, đầu tháng 1/2014 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã nhận được công văn của đại biểu Nguyễn Hữu Kiên gửi Thủ tướng phản ánh một số vấn đề liên quan đến đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập hai quận và 23 phường mới mới.

Ngày 31/12/2013, đại biểu Kiên có nhận được văn bản trả lời số 4694/BNV của Bộ Nội vụ về việc trả lời phản ánh của ông và báo chí về một số sai sót trong đề án.

Tuy nhiên, theo ông Kiên, văn bản số 4694 của Bộ Nội vụ thực chất là một dạng công văn chuyển nội dung giải thích của UBND huyện Từ Liêm và báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, chứ chưa thể hiện vai trò chủ trì của Bộ Nội vụ trong việc trả lời cụ thể những phản ánh của báo chí và đặc biệt là đầy đủ các nội dung kiến nghị mà ông đã nêu.

Theo đại biểu Kiên, đáng chú ý, tại văn bản báo cáo số 9843/UBND gửi kèm theo công văn 4694 của Bộ Nội vụ, UBND thành phố Hà Nội đã phải thừa nhận những sơ xuất về thống kê và trả lại địa vị pháp lý cho các hộ dân và cá nhân đang sinh sống hợp pháp trên 9,3 ha tách từ Xuân Phương về Tây Tựu (596 nhân khẩu), trên 3,3 ha tách từ Cầu Diễn về Cổ Nhuế 1 (372 nhân khẩu), trên 1,6 ha tách từ Cầu Diễn về Cổ Nhuế 2 (292).

Tuy nhiên do việc cơ quan tham mưu chưa làm hết trách nhiệm và do phía UBND huyện Từ Liêm cũng như UBND thành phố Hà Nội có thể không có đủ thời gian “làm kỹ lưỡng” như đã từng phát biểu trước báo chí, nên những báo cáo giải trình của huyện và thành phố đều tiếp tục không tuân thủ pháp luật, thậm chí không tuân thủ ngay chính nội dung do Bộ Nội vụ ban hành.

Thế nhưng, theo ông Kiên, điều lạ là Bộ Nội vụ không những không “tuýt còi” mà vẫn gửi trả lời đại biểu và báo chí.
 
Đại biểu Kiên cũng cho rằng, ngay trong báo cáo của UBND huyện Từ Liêm được gửi kèm công văn 4694 của Bộ Nội vụ tiếp tục thể hiện sự coi thường vai trò của hội đồng nhân dân.

Cụ thể là ngoài việc không tuân thủ đầy đủ bộ hồ sơ đề án khi trình hội đồng nhân dân như quy định từ khoản 1 đến khoản 4 của điều 4 Thông tư 02 - thiếu phương án tổ chức bộ máy và biên chế; bản đồ hiện trạng sử dụng đất; sơ đồ định hướng phát triển không gian; phim tư liệu và không tuân thủ về thời điểm lấy số liệu, thì báo cáo của huyện Từ Liêm lại một lần nữa nói rằng số liệu trình Hội đồng Nhân dân huyện là dự thảo nên có sự khác biệt so với số liệu tại đề án chính thức trình UBND thành phố.
 
Sự khác biệt mà huyện Từ Liêm coi là rất nhẹ nhàng có biên độ sai lệch lớn nhất lên đến 288%. Trong số 17 chỉ tiêu đánh giá về hệ thống các công trình hạ tầng đô thị có sai số thì có 7 chỉ tiêu sai số từ 54% đến 288%, số còn lại sai số ít nhất cũng từ 4% đến 45%.
           
Trong văn bản gửi Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Hữu Kiên cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã không tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong việc xây dựng đề án,

Ngoài ra, theo ông Kiên, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm và các cơ quan chuyên môn liên quan của huyện Từ Liêm đã “làm số” và ghi khống số liệu nhằm báo cáo sai cơ quan dân cử và cơ quan quản lý cấp trên trong quá trình xin thông qua đề án. Khi nhận được phản ánh của đại biểu và chỉ đạo của Thủ tướng, cũng đã không cầu thị xem xét kỹ lưỡng để tiếp tục vi phạm quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thiếu trách nhiệm trong khi rà soát lại đề án trong phần thẩm quyền của mình dẫn đến tình trạng đề án xây dựng sai quy định của pháp luật vẫn được trình lên Thủ tướng và Chính phủ. Các số liệu sai số rất lớn đối với các công bố chính thức của Nhà nước và thực tiễn vẫn không bị phát hiện.