16:34 30/04/2021

Thủ tướng: "Tình hình vẫn được xử lý tốt, không hoang mang, không lo sợ, không chủ quan"

Tiến Dũng

Ngày 30/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19... để đánh giá công tác chỉ đạo và bàn các giải pháp trọng tâm, cấp bách ứng phó với dịch bệnh thời gian tới

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh những kết quả tích cực, Việt Nam vẫn phải đối mặt với mối đe dọa dịch bệnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tàn phá nặng nề các nước láng giềng và trong khu vực.

VẪN CÒN TÂM LÝ CHỦ QUAN, LƠ LÀ

Ngày 29/4, sau hơn 30 ngày không phát hiện dịch trong cộng đồng, Việt Nam đã ghi nhận chùm ca dương tính liên quan tới trường hợp nhập cảnh từ Nhật Bản dương tiếng với Covid-19 sau khi hết cách ly tập trung ở Đà Nẵng về tỉnh Hà Nam (ca bệnh 2899).

Một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng phải phải rà soát lại quy trình cách ly cho chặt chẽ hơn khi trong trường hợp ca bệnh 2899 đã di chuyển bằng phương tiện công cộng (xe khách) từ Đà Nẵng để về quê sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn khâu cách ly tại nhà vì có 1% số bệnh nhân có thời gian ủ bệnh hơn 14 ngày. 

Toàn cảnh phiên họp khẩn của Chính phủ về tình hình Covid-19 - Ảnh: VGP
Toàn cảnh phiên họp khẩn của Chính phủ về tình hình Covid-19 - Ảnh: VGP

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao bởi Việt Nam vẫn phải tiếp tục thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân từ nước ngoài về nước.

"Cùng với đó là tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc một số ca bệnh vừa bùng phát ở Hà Nam và một số địa phương. Ngoài ra, công tác quản lý cách ly y tế còn chưa tốt, chưa chặt chẽ, chưa nghiêm, nhất là khâu quản lý cách ly, theo dõi tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung. Ý thức, hợp tác của gia đình, người thân trong việc theo dõi cách ly tại nhà chưa tốt, chưa nghiêm", Thủ tướng Chính phỉ lưu ý.

"Chúng ta vẫn tự tin, vẫn có thể xử lý tốt được tình hình, không hoang mang, không lo sợ, không chủ quan, không cầu toàn và không nóng vội", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, bên cạnh việc biểu dương những cá nhân, đơn vị làm tốt công tác phòng chống dịch thời gian quan, các lãnh đạo cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cũng phải xem xét kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng các quy định trong phòng chống dịch, để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. 

Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải siết chặt hơn nữa việc thực hiện các quy định, quy chế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cá nhân phải vào cuộc tích cực hơn nữa.

GÁC LẠI NHỮNG THÓI QUEN CŨ ĐỂ PHÒNG CHỐNG DỊCH

"Mục tiêu cao nhất của chúng ta là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, cho cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra. Bên cạnh đó, phải tập trung bảo vệ thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5 tới", Thủ tướng Chính phủ nhắc lại.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương, thần tốc hơn nữa trong truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả xảy ra với phương châm “chống dịch như chống giặc”.

“Đề cao cảnh giác, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình. Kiểm tra, truy vết, quản lý chặt chẽ với tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bình tĩnh, sáng suốt, sáng tạo, linh hoạt, chủ động, tích cực trong xử lý vấn đề cụ thể, không bi quan nhưng không chủ quan. Phát huy kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm quý báu đã có để tổ chức thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước, chung tay với Chính phủ, nỗ lực cao nhất, gác lại những thói quen xưa cũ, những việc chưa cần thiết, ngay lập tức thực hiện các quy định của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch. Vì sức khỏe của mỗi cá nhân, vì sức khỏe của cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phải thực hiện “5K+vaccine”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi làm việc - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi làm việc - Ảnh: VGP

Thủ tướng nhấn mạnh người đứng đầu chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tình hình có những sơ hở sẽ bị xem xét xử lý nghiêm minh nếu để xảy ra dịch theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước với tinh thần hết sức khách quan, công bằng, hợp lý.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương với trên tinh thần “xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn và tôn trọng thực tiễn” chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí về dịch bệnh, về nguy cơ lây nhiễm (ví dụ thế nào là nguy cơ cao, thấp, trung bình, thế nào là có dịch…) và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra; phân cấp cho các cấp chính quyền căn cứ vào tình hình, vào tiêu chí đó để lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định các biện pháp của mình, không trông chờ, ỷ lại.

 

Đề cao cảnh giác, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình. Kiểm tra, truy vết, quản lý chặt chẽ với tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"

Thủ tướng Phạm Minh Chính

"Bộ Y tế cần tích cực, quyết liệt, đẩy mạnh tìm nguồn vaccine và tổ chức tiêm vaccine theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Chính phủ, trên tinh thần công khai, minh bạch, khách quan, bình đẳng, có ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, không để xảy tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong công tác này", Thủ tướng chỉ đạo

Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra để khống chế dịch bệnh một cách hiệu quả nhất, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân.