Thủ tướng yêu cầu Tết không xe cộ ùn ùn biếu quà lãnh đạo
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý dịp tết không được để thiếu hàng, nhất là thiếu thịt lợn, phải chăm lo cho mọi nhà đều có tết
Tết này không biếu quà, không phải chạy xe ra Hà Nội, xe cộ ùn ùn tới nhà lãnh đạo, phải làm gương, Thủ tướng yêu cầu khi phát biểu kết thúc hội nghị Chính phủ với địa phương, sáng 31/12/2019.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý dịp tết không được để thiếu hàng, nhất là thiếu thịt lợn, phải chăm lo cho mọi nhà đều có tết.
Trước đó, về nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng chỉ đạo, một là không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, tạo mọi điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
Xóa bỏ những nghị định nào mà kìm hãm sự phát triển chứ không phải nói chung là hệ thống pháp luật. Không phải nói hệ thống pháp luật ở đây là đổ hết cho Quốc hội đâu. Phần lớn luật pháp là do Chính phủ đề xuất. Có gì khó khăn cần tháo gỡ thì bàn với Quốc hội, Thủ tướng bày tỏ.
Hai là khơi thông, huy động sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng mọi năng lực sản xuất, tận dụng tốt các tiềm năng thế mạnh, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tập trung phát triển mạnh mẽ các ngành lĩnh vực. Tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển.
Ba là có cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể, tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng 1 cách thực chất, hiệu quả trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ.
Vấn đề thứ tư Thủ tướng đề cập là tăng cường kỷ luật kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu và có chế tài xử nghiêm các vi phạm.
Người đứng đầu Chính phủ nhận xét, một số tỉnh, một số ngành, bộ không giữ kỷ cương kỷ luật, không nghiêm, nên chủ trương rất nhiều, nhưng thấm vào để ra sản phẩm vật chất tinh thần cho xã hội chưa được nhiều, thậm chí bị kiềm chế. Văn bản chuyển xuống bộ, địa phương gửi lên bộ ngành mất 3-4 tháng không chịu trình ký, không chịu đề xuất giải pháp, né tránh, đẩy qua đẩy lại.
Có vi phạm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, chứ không phải bình thường đâu, văn bản cứ đá qua đá lại, nhất là việc phối hợp. Ở địa phương sở này sở kia vẫn đổ trách nhiệm cho nhau, cái gì có lợi cho bộ ngành mình thì làm còn không có lợi thì không chịu làm. Nên phải có chế tài xử lý vi phạm, Thủ tướng nêu rõ.
Nhiệm vụ tiếp theo được Thủ tướng đề cập là phát huy, đẩy mạnh giá trị văn hoá con người Việt Nam, tinh thần tự hào tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên của cộng đồng, doanh nghiệp, nhân dân, để đất nước vững mạnh và hùng cường.
Phát triển nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ hài hoà phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống của người dân, củng cố quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, Thủ tướng nêu nhiệm vụ thứ sáu.
"Tôi yêu cầu các bộ, địa phương thiết kế cụ thể, triển khai đồng bộ trong phạm vi trách nhiệm của các bộ, làm rõ định hướng nội dung phát triển địa phương mình". Thủ tướng chỉ đạo.