Thừa Thiên Huế gia cố khẩn cấp bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng
Mưa lớn những ngày qua, khiến bờ biển tại thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền khoảng 100 mét, phá hỏng vỉa hè đường đi bộ bãi tắm...
Mưa lớn cùng triều cường những ngày qua khiến chân kè bờ thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo đó, vị trí từ mép chân kè bờ thôn Tân An, xã Phú Thuận lên hướng phường Thuận An (thành phố Huế) khoảng 150m bờ biển bị sạt lở, biển ăn sâu vào đất liền khoảng 50m gần sát đường đi bộ của bãi tắm Thuận An.
Bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền khoảng 100 mét, phá hỏng vỉa hè đường đi bộ bãi tắm, làm các gốc cây dương trên vỉa hè có nguy cơ ngã đổ.
Ngày 22/10, tại buổi kiểm tra thực tế, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, nếu không có phương án xử lý khẩn cấp, cùng với thời tiết tiếp tục bất lợi như hiện nay, khu vực này có nguy cơ bị ăn sâu và cuốn trôi con đường nội bộ bãi tắm, ảnh hưởng lớn đến các nhà hàng dọc bờ biển.
Ông Hoàng Hải Minh đề nghị, chính quyền địa phương huy động các lực lượng và phương tiện trong chiều 22/10 phải tập trung các phương án gia cố, ngăn chặn việc xâm thực sâu vào trong để bảo vệ các công trình hạ tầng cũng như an toàn cho người dân sống tại khu vực này.
Trong 2 ngày tới, tập trung xử lý dứt điểm các điểm sạt lở với chiều dài khoảng 300m, sau đó sẽ có những đánh giá cũng như phương án tổng thể đảm bảo an toàn, chống sạt lở cho khu vực này.
Chiều ngày 22/10, chính quyền địa phương đã huy hơn 300 người gồm nhiều lực lượng đang tiến hành gia cố khẩn cấp điểm sạt lở này. Tại đây, lực lượng sẽ sử dụng 600 khối đá, 2.500m vải lọc để gia cố khẩn cấp bờ biển.
Theo UBND xã Phú Thuận, từ tháng 6 đến tháng 9/2024 mực nước biển ăn sâu vào đất liền khoảng 70m với chiều dài khoảng 300m. Đến ngày 21/10, do ảnh hưởng của mưa to, sóng biển mạnh, tại khu vực bãi tắm Phú Thuận xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền khoảng 50m, có nơi ăn sâu 100m.
Theo thông tin từ chính quyền địa phương tình trạng sạt lở này là hiện tượng bất thường. Vì từ 23 năm nay (khi cửa Hoà Duân được hàn gắn) chưa khi nào địa điểm này bị sạt lở nghiêm trọng như vậy.
Những năm gần đây, thông qua nhiều nguồn vốn khác nhau, địa phương đã được đầu tư, xây dựng hơn 2,47km bờ kè biển và 0,55km kè ngầm, với tổng kinh phí khoảng 400 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn xã Phú Thuận còn khoảng 1,9km chưa được đầu tư, đang tiếp tục sạt lở trong mùa mưa bão.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày và đêm 22/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30 đến 70mm, có nơi trên 90mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (hơn 90mm/6 giờ). Từ ngày 23-10, mưa lớn giảm dần.
Cũng trong ngày 22/10, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa từ 20 đến 40 mm, có nơi trên 70mm. Ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ có mưa rào và rải rác có dông, có nơi mưa to với lượng mưa từ 10 đến 30 mm, có nơi trên 70mm.
Về khả năng xuất hiện bão trên Biển Đông, cơ quan khí tượng cho biết, đêm qua, áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão Trà Mi (bão Trami). Hướng di chuyển của bão được dự báo đi vào Biển Đông.
Bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc. Đến 16 giờ ngày 22/10, vị trí tâm bão trên vùng biển phía Đông Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-75km/giờ), giật cấp 11. Sóng biển cao từ 3 đến 4m.
Dự báo khoảng ngày 25/10, bão có khả năng di chuyển vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 6. Từ khoảng chiều và đêm 24-10, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông (phía Đông kinh tuyến 118,5 độ Kinh Đông) có gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh, sóng cao từ 3.0 đến 5.0m, mưa dông kèm theo lốc xoáy nguy hiểm.