13:29 16/07/2021

Thúc đẩy đàm phán nhanh cho quả nhãn Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Vũ Khuê

Dù rằng quả nhãn tươi của Việt Nam chưa được cấp phép nhập khẩu chính thức vào thị trường Nhật Bản, nhưng tiềm năng cho quả nhãn tại thị trường này khá lớn, tương đương như quả vải thiều tươi...

Hơn 60% sản lượng nhãn Hưng Yên được sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP
Hơn 60% sản lượng nhãn Hưng Yên được sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP

Vải thiều tươi của Việt Nam đã được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt cho phép nhập khẩu chính thức kể từ tháng 12/2019. Trải qua hai mùa vụ 2020 và 2021, qua nhiều nỗ lực xuất khẩu, quảng bá thương hiệu, quả vải thiều tươi của Việt Nam cũng đã tạo được tiếng vang tại thị trường Nhật Bản. Người tiêu dùng Nhật Bản hồ hởi đón nhận quả vải Việt Nam sự mới lạ, màu sắc và hương vị tươi ngon hơn so với vải Đài Loan, Trung Quốc.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, với số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản tăng nhanh qua từng năm, cùng với đó là sự đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng của người dân Nhật Bản, các mặt hàng thực phẩm nguồn gốc Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, được đánh giá có nhiều tiềm năng để thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, quả nhãn Việt Nam có tiềm năng như vải thiều tươi tại thị trường Nhật. Song, vì chưa được xuất khẩu sang Nhật nên chưa biết khả năng cao hay không, nhưng xu hướng tiêu thụ là có.

Tại Nhật Bản, quả nhãn cũng được trồng ở một số địa phương khu vực phía Nam (là nơi có khí hậu khá tương đồng với các nước Đông Nam Á) như các tỉnh Kagoshima hay Okinawa, với sản lượng không đáng kể. Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm nhãn sấy khô, đông lạnh để chế biến thêm vào các sản phẩm chè, nước giải khát…

Hiện nay Nhật Bản chưa cho phép nhập khẩu chính thức quả nhãn tươi của Việt Nam. Nhưng Thương vụ đang bắt đầu có kế hoạch xúc tiến cho quả nhãn Việt Nam. Cả hai nước đang đàm phán trao đổi thông tin kỹ thuật về quả nhãn.

Quá trình đàm phán mở cửa một thị trường nổi tiếng khó tính với tiêu chuẩn cao như Nhật Bản cho một loại trái cây tươi của Việt Nam chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí và nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng của hai nước.

 
"Các bên sẽ cố gắng thúc đẩy quá trình đàm phán để rút ngắn bớt thời gian. “Theo kinh nghiệm thì năm 2022 hoặc 2023 có thể Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm và cho phép nhập khẩu. Điều này tuỳ thuộc vào quá trình xử lý của mỗi bên”.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản

Để chuẩn bị cho quả nhãn hiện diện trên thị trường Nhật Bản, ông Đức cho rằng, giống như quả vải trước đó, ngay từ bây giờ, chúng ta cần chọn giống nhãn tốt, chất lượng, ngọt, cùi dầy, hạt nhỏ, nhiều nước. Quy hoạch vùng trồng có đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục được phía Nhật Bản cho phép với liều lượng không vượt quy định luật vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật.

Bên cạnh đó, xử lý quả nhãn không bị sâu bệnh, không còn ấu trùng trên quả. Xử lý khâu bảo quản tốt cho nhãn tươi lâu. Quan trọng nhất, ông Đức cho rằng công nghệ bảo quản và xây dựng hệ thống vận chuyển, kho lạnh hai đầu xuất khẩu và nhập khẩu.

Quảng bá để người Nhật biết đến quả vải Việt Nam là khâu cuối cùng thông qua các bước chuẩn bị bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và tập quán của người Nhật.

Tại Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021 diễn  ra ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các nền tảng số để tiêu thụ nông sản trên thị trường trong nước, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên khắp các thị trường quốc tế.

Trong dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ với căn cứ là nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản theo nhu cầu của thị trường.