Thúc đẩy hợp tác, kết nối đưa ra các giải pháp đột phá về tăng trưởng xanh
Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu P4G. P4G được coi là diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công– tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị- xã hội để cùng đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs)...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 96/QĐ-TTg thành lập Ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025.
Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Trưởng Ban tổ chức. Các Phó Trưởng ban gồm: Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (Phó Trưởng ban Thường trực); ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan.
Căn cứ tình hình thực tế và xét yêu cầu, tính chất công việc, Trưởng Ban tổ chức xem xét quyết định việc bổ sung, điều chỉnh thành viên là lãnh đạo một số cơ quan, địa phương liên quan.
Quyết định nêu rõ, Ban tổ chức có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, đôn đốc và phối hợp chuẩn bị và tổ chức các hoạt động của Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư năm tại Việt Nam.
Trưởng Ban tổ chức có trách nhiệm điều hành thực hiện các nhiệm vụ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Trưởng ban, các thành viên và ban hành Quy chế hoạt động của Ban tổ chức và Quyết định thành lập của Ban Thư ký Thường trực và các Tiểu ban.
Trên cơ sở quy mô dự kiến của Hội nghị, Ban tổ chức gồm Ban Thư ký Thường trực và 5 tiểu ban gồm: Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Vật chất- Hậu cần, Tiểu ban An ninh- Y tế, Tiểu ban Tuyên truyền- Văn hoá, Tiểu ban Lễ tân.
Diễn đàn cấp cao Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) được hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF).
Đến nay, diễn đàn P4G có 12 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Bangladesh, Indonesia và Nam Phi cùng với sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.
P4G được coi là diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công– tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị- xã hội để cùng đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs). Hỗ trợ của P4G cho các nước đối tác chủ yếu thông qua hình thức đối tác công– tư, cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.
Hoạt động quan trọng nhất của P4G là hội nghị thượng đỉnh, được tổ chức 2 năm/lần. Đến nay đã có 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh P4G, tổ chức tại Đan Mạch năm 2018, trực tuyến tại Hàn Quốc năm 2021 và tại Colombia năm 2023. Việt Nam là một trong 7 thành viên sáng lập, là đối tác chính thức của P4G và sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư năm 2025 dự kiến diễn ra từ 16-17/4.
Chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ 4 ngày 15/1, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn yêu cầu tận dụng tốt cơ hội tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội, cho ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.
Ngoài hội nghị đa phương, Việt Nam sẽ kết hợp tổ chức các nhiều hoạt động song phương với các đoàn cấp cao, một số cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao.
"Chương trình phải phối hợp với các đối tác đưa ra những chủ đề vừa phù hợp với xu thế chung của thế giới, vừa phù hợp với lợi ích của Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế", Phó Thủ tướng lưu ý.
Đồng thời, phải huy động được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong khuôn khổ P4G, cũng như các đối tác của các nước P4G, nhất là doanh nghiệp chủ công, tham gia chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phải đảm bảo hội nghị thành công toàn diện, trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, nội dung, an ninh, an toàn tuyệt đối, thân thiện, cởi mở, chu đáo, hiệu quả trên tinh thần tiết kiệm.