14:00 17/04/2023

Thúc đẩy thương mại quốc tế bằng Blockchain

Thủy Diệu

Báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây đã nhận định: để tạo xung lực cho tăng trưởng của các quốc gia cận biên hay đang phát triển như Việt Nam, từ nay đến năm 2030 cần tập trung cho thương mại quốc tế và công nghệ Blockchain được coi là “chìa khóa” để thúc đẩy hoạt động thương mại này...

Blockchain được nhận định sẽ là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi thương mại toàn cầu.
Blockchain được nhận định sẽ là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi thương mại toàn cầu.

Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng tiềm năng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ, với mức trung bình chỉ 2,2% mỗi năm cho giai đoạn 2022-2030. Tỷ lệ này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 2,6% của thập niên 2011-2021 và thấp hơn nhiều so mức 3,5% trong giai đoạn 2000-2001. Ngân hàng này cũng cảnh báo tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu đang chậm lại trên diện rộng, đồng thời cho rằng tăng trưởng đầu tư giai đoạn 2022-2024 chỉ bằng một nửa so với 20 năm trước và thương mại quốc tế cũng tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đầu năm nay cũng dự báo tương tự với WB về bối cảnh ảm đạm của kinh tế năm 2023. Kéo theo đó, ngành thương mại quốc tế ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nhiều công ty và chính phủ trên thế giới đang tìm cách cắt giảm chi phí, đồng thời giải quyết những khó khăn vốn có trong thương mại xuyên biên giới. Trong bối cảnh như vậy, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhận định Blockchain sẽ là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi thương mại toàn cầu.

BLOCKCHAIN ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG

Tại một hội thảo mới đây với chủ đề “Ứng dụng Blockchain trong thương mại quốc tế” do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức, ông Đỗ Ngọc Minh, Ban chuyên gia công nghệ của VBA, cho rằng các hoạt động kinh doanh thương mại toàn cầu hiện nay đang “sống” trong sự bùng nổ của kỷ nguyên công nghệ thông tin với vai trò trụ cột của Internet, trong đó công nghệ Blockchain với các đặc điểm như bảo mật (sử dụng mã hóa để bảo vệ dữ liệu trên toàn mạng, ngăn chặn gian lận và tấn công); minh bạch (các bên tham gia đều biết toàn bộ các giao dịch); phi tập trung (không có các bên trung gian quản lý và kiểm soát); khả năng mở rộng; đáng tin cậy (các cơ chế xác thực đảm bảo tính tin cậy, giảm rủi ro và tăng tín an toàn)… đóng một vai trò quan trọng.

Ông Minh lấy ví dụ hãng logistics và vận chuyển khổng lồ của Đan Mạch là A.P. Moller-Maersk Copenhagen nằm trong top 50 đơn vị hàng đầu thế giới ứng dụng Blockchain. Công ty này đã sử dụng Blockchain TradeLens để số hóa thông tin chuỗi cung ứng. Từ khi ra mắt vào tháng 8/2018, Blockchain này đã tiếp nhận khoảng 50% tàu container trên khắp thế giới. Năm 2020, Blockchain TradeLens đã xử lý một tỷ lô hàng, 30 triệu container và 14 triệu tài liệu, cao hơn gấp đôi so với 2019.

Blockchain còn được ứng dụng nhiều trong thanh toán quốc tế. Điển hình là sau khi các ngân hàng trung ương bắt đầu khai thác các loại tiền kỹ thuật số, Visa đã thực hiện nhiều R&D để tiền kỹ thuật số có thể lưu thông an toàn qua hệ thống của mình, theo đó có 159 bằng sáng chế liên quan đến Blockchain giúp đảm bảo an toàn hơn cho các giao dịch và sử dụng sinh trắc học để xác minh danh tính. Tháng 12/2020, Visa công bố tích hợp với tiền mã hóa USDC để tăng tốc độ thanh toán quốc tế B2B (các nền tảng Blockchain mà công ty này sử dụng là Bitcoin, Ethereum).

Blockchain cũng được ứng dụng trong theo dõi chuỗi cung ứng, như chuỗi bán lẻ hàng đầu nước Mỹ là Walmart đã ứng dụng công nghệ Blockchain để theo dõi gần 500 mặt hàng gồm hải sản, thịt và cà phê.

Theo ông Quyết Vũ, CEO của LocaMOS, trong hoạt động thương mại quốc tế thì độ tin cậy của hồ sơ có thể đảm bảo truy xuất được nguồn gốc hàng hóa từ nơi khởi phát đến điểm cuối và có thể kiểm tra được đóng vai trò quyết định, và chỉ bằng công nghệ Blockchain với sự lưu trữ phân tán phi tập trung và chống sửa đổi mới có thể giúp làm được công việc đó.

Ông Vũ cho biết: “Công nghệ Blockchain ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo kỳ vọng niềm tin cho khách hàng. Bởi trước đây, để có niềm tin trong hoạt động thương mại quốc tế thường phải nhờ đến đơn vị thứ ba, chính phủ hoặc các công ty pháp nhân liên quan. Tuy nhiên, từ khi có Blockchain, hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt là xuyên biên giới, đã nhận được niềm tin nơi khách hàng”.

“Blockchain đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, khách hàng mới trên môi trường Internet, đồng thời công nghệ này cũng giúp khách hàng tương tác với doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp liên kết chéo với nhau và được xác thực bằng Blockchain, hay phát hành các voucher. Hiện, doanh nghiệp phát hành voucher trên nền tảng Blockchain giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được tệp khách hàng rất tốt”, ông Quyết Vũ nói.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, cho biết: báo cáo của WB đưa ra giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng với các quốc gia cận biên hay đang phát triển như Việt Nam, theo đó sẽ phải tập trung vào ba yếu tố: (i) tăng cường đầu tư; (ii) đẩy mạnh thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế; (iii) tập trung vào yếu tố mang tính chất dịch vụ, nhất là ngành công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính (nhóm dịch vụ có hàm lượng chất xám cao cần tập trung).

Chuyên gia của các tổ chức như WB, đặc biệt là WTO, cho rằng công nghệ Blockchain sẽ làm thay đổi cuộc chơi thương mại toàn cầu và xu hướng tương lai là phải tận dụng và sử dụng công nghệ Blockchain để giảm thiểu chi phí trong thương mại cũng như giao thương quốc tế. Một số lĩnh vực có thể ứng dụng Blockchain hiệu quả là tài trợ thương mại, hay trong giao dịch L/C (để nâng cao tính minh bạch, loại bỏ sự can thiệp của trung gian, số hóa chứng từ, giảm chi phí giấy tờ và thời gian giao dịch). “Chúng ta phải tận dụng và sử dụng Blockchain để làm nền tảng giảm chi phí, vì nếu không tập trung vào xuất nhập khẩu thì nền kinh tế có thể gặp khó khăn vì hiện kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu”, một chuyên gia nhận xét.

CHƯA ỨNG DỤNG RỘNG RÃI TẠI VIỆT NAM

Mặc dù trên thế giới Blockchain được sử dụng nhiều trong hoạt động thương mại xuyên biên giới, nhưng tại Việt Nam việc ứng dụng Blockchain vào thương mại mới ở giai đoạn bước đầu, sơ khai. Vậy đâu là nguyên nhân?

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thúc đẩy thương mại quốc tế bằng Blockchain - Ảnh 1