Thúc đẩy tự động hóa trong công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo
Trong xu thế tự động hóa gắn liền với công nghiệp, triển lãm quốc ngành cơ khí lần thứ 20 - MTA Vietnam đang được diễn ra. Triển lãm thu hút hơn 320 đơn vị đến từ hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đến trưng bày, giới thiệu những sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhất…
Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 6,47%; quý 2 tăng 8,55%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67% (quý 1 tăng 7,21%; quý 2 tăng 10,04%), đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Theo ông Ben Wong, Tổng Giám Đốc Informa Markets Vietnam, những con số này là minh chứng tích cực cho sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp nói chung và ngành sản xuất, chế tạo nói riêng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư hấp dẫn.
Theo định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP sẽ đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%.
Tại các nhà máy, nhu cầu về các giải pháp gia công tiên tiến, tự động hóa, nhằm cắt giảm thời gian chết trong sản xuất và cải thiện độ chính xác để thúc đẩy hiệu suất vận hành đang ngày càng tăng cao.
Trong những năm gần đây, thị trường robot tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu của các doanh nghiệp về các giải pháp tự động hóa, nhằm tối ưu năng suất, đảm bảo mức độ chính xác, an toàn và tiết kiệm chi phí nhân công, vận hành.
Dự báo của Statista cho thấy thị trường robot Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong thời gian tới, với doanh thu ước tính đạt 356,7 triệu USD vào năm 2024. Trong đó, robot công nghiệp được kỳ vọng sẽ dẫn đầu thị trường, với giá trị thị trường dự kiến lên tới 309,8 triệu USD trong cùng năm. Đến năm 2028, dự báo thị trường robot Việt Nam sẽ đạt giá trị 391,9 triệu USD.
Ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hoá Việt Nam, cho biết hiện nay không có ngành công nghiệp chế biến chế tạo nào không đồng hành với công nghệ tự động hóa. Đặc biệt trong giai đoạn tự động hóa gắn liền với công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI). Các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cần tăng cường hợp tác, thúc đẩy quá trình tự động hóa hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế số, kinh tế bền vững.
Nắm bắt xu hướng này, Triển lãm và Hội thảo Quốc tế về Cơ khí chính xác và Sản xuất chế tạo - MTA Vietnam lần thứ 20 do Công ty Informa Markets Việt Nam tổ chức đang được diễn ra từ ngày 2/7 – 5/7/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Thành phố Hồ Chí Minh.
Triển lãm quy tụ 323 nhà trưng bày đến từ hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Ấn Độ, Ba Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Việt Nam.
Triển lãm còn có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp tiêu biểu như Amada, Trumpf, Salvagnini, LVD, Jinan Bodor, Yamazen, Hwacheon, Roeders, United Grinding, Makino, Mazak, Haitian, Blum, MST,... Dự kiến, triển lãm sẽ thu hút 16.000 khách tham quan chuyên ngành.
Đánh giá về MTA Vietnam 2024, ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết thông qua sự kiện, các nhà sản xuất có thể quảng bá sản phẩm và công nghệ mới và doanh nghiệp tìm kiếm được các công nghệ, giải pháp vận hành tối ưu nhất cho dây chuyền sản xuất của đơn vị.