09:35 24/01/2025

Thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Nhật Dương

Yêu cầu được Bộ Y tế nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay việc mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trên mạng internet...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường triển khai Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Bộ Y tế cho biết ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15, trong đó thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.

Qua theo dõi cho thấy hiện nay việc mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trên mạng internet.

Nhằm triển khai Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội, Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp và chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh việc kiểm tra, phát hiện, xử phạt nghiêm các trường hợp quảng cáo sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên mạng internet.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới công chức, viên chức, người lao động về quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo tinh thần của Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường tuyên truyền, phổ biến trong các cơ sở giáo dục về việc từ ngày 1/1/2025 theo Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các trường học phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng phía ngoài cổng các trường học theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hiện Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó, Bộ đề xuất xử phạt 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, mức phạt sẽ gấp đôi nếu tái phạm.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) đã tăng 18 lần, từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020.

Trong đó, tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24, với 7,3%, sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

Đáng chú ý, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 cũng tăng từ 2,6% năm 2019, lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 , lên 8% năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Công an cho thấy số vụ vi phạm liên quan thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa ma túy gia tăng nhanh chóng. Năm 2023, đã khởi tố 86 vụ/155 đối tượng tội phạm.

Riêng quý 1/2024 đã khởi tố 33 vụ/73 đối tượng. Chỉ 1 quý năm 2024 mà gần bằng 1/2 của cả năm 2023, cho thấy sự gia tăng nhanh chóng, báo động các vi phạm này. Năm 2023, tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi nhập viện do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là 71/1.224 người.