Thực phẩm sạch và chợ phiên nông sản
Bên cạnh những kênh phân phối hiện đại như chợ trực tuyến (online), thực phẩm sạch còn được mua bán theo một hình thức khác là phiên chợ nông sản cuối tuần.
Cuối tuần nào cũng vậy, tại các khu chung cư hoặc những khu vực dân cư đông người nước ngoài sinh sống của Hà Nội, TP.HCM…, thường sẽ có một nhóm người có nguồn hàng là các loại thực phẩm (rau, củ, thịt heo, gà…), được giới thiệu là đáp ứng tiêu chí ngon, sạch... nuôi trồng tự nhiên và không có hóa chất, kháng sinh, hẹn nhau lập một phiên chợ nhỏ. Phiên chợ đặc biệt diễn ra tại sân khu chung cư, công viên hoặc thậm chí là sân trường học.Người mang đến giỏ trứng gà ta gửi từ quê lên, người đem rau lang, rau muống nhà tự trồng, có người về quê mang vào gà tre Phú Yên cùng những loại cây nhà lá vườn như lá giang, ớt, lá é, bột nghệ… Có người mang theo loại thịt heo ngon có tiếng, hay cá hồi nhập khẩu từ mối quen biết tin tưởng. Hai, ba chục người ngồi đợi cả buổi sáng để được mua hàng, chỉ trong hơn một giờ đồng hồ mọi thứ được bán hết sạch. Mọi người lại hẹn tới phiên sau một vài tuần nữa khi gom đủ hàng hóa.
Nếu ai từng ghé qua chợ phiên nông sản an toàn có thể dễ dàng nhận thấy một điều, việc mua bán ở đây rất thoải mái, dễ chịu. Tất tần tật các mặt hàng đều được đóng gói cẩn thận, có xuất xứ rõ ràng được in trên bao bì. Nếu người tiêu dùng có bất cứ thắc mắc nào về sản phẩm cũng sẽ được người bán giải thích rõ ràng. Chính điều này khiến cho khách hàng càng thêm tin tưởng vào sản phẩm được bày bàn ở chợ phiên.Ở chợ phiên cuối tuần, người tiêu dùng thay vì lướt mạng để chọn và mua hàng thì đến phiên chợ trực tiếp lựa chọn, trao đổi thông tin với người bán. Đây cũng là một hình thức đi chợ truyền thống nhưng khác ở chỗ người tiêu dùng sẽ gặp trực tiếp đơn vị sản xuất và có thể nghe câu chuyện về quá trình sản xuất nông sản an toàn của bên bán.Chúng tôi đã gặp một nhóm các bà nội trợ sau khi tập thể dục xong ở Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP.HCM), rảo bước ra phía cổng đường Hai Bà Trưng để "đi chợ". Đây là một mô hình chợ phiên nông sản an toàn với gần 20 gian hàng với đủ các nhóm hàng cho một bữa ăn gia đình gồm: thịt heo, gà, tôm, nấm, gạo, rau củ quả, trái cây…
Chị Lê Hồng Minh (ngụ Q.1, TPHCM) cho biết, khi biết thông tin phiên chợ khai trương thì vào mỗi sáng thứ bảy hàng tuần, chị đều đặn ghé đến để mua thực phẩm cho gia đình, chủ yếu là các loại rau, thịt và trái cây. "Trước đây, để an tâm hơn khi mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa cơm gia đình thì tôi phải đến siêu thị. Nhưng từ khi biết được phiên chợ này thì tôi có thêm lựa chọn để mua sắm. Các mặt hàng ở đây khá phong phú để lựa chọn. Tuy nhiên, giá các sản phẩm ở đây hơi cao hơn so với chợ hay siêu thị".Nhân viên bán hàng tại đây cho hay đây là rau hữu cơ (có chứng nhận theo tiêu chuẩn của Việt Nam), không sử dụng phân thuốc hóa học, nếu rau có sâu phải bắt bằng tay nên giá cao. Cũng theo nhân viên này, do công ty mới bán tại chợ phiên nên số lượng chưa nhiều, chủ yếu để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc HTX Rau an toàn Việt (VietRat, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), cho biết HTX tham gia đồng thời 4 điểm chợ phiên vào thứ bảy và 4 điểm vào chủ nhật, đều được hỗ trợ miễn phí gian hàng. "Nhà vườn chỉ tốn chi phí vận chuyển và bán hàng nên dễ tiếp cận người tiêu dùng, phát triển thương hiệu. Do được hỗ trợ mặt bằng nên nông sản VietGAP, GlobalGAP ở chợ phiên có giá vừa phải. Ngoài ra, tại chợ còn thường xuyên có cán bộ lấy mẫu ngẫu nhiên kiểm tra nhanh thuốc bảo vệ thực vật nên các nhà vườn buộc phải chủ động chọn lọc hàng bảo đảm an toàn. Do đó, hưởng lợi nhất chính là người tiêu dùng" - bà Lan phân tích.Bà Trần Thanh Hà, tư vấn Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Great Việt Nam - thương hiệu rau sạch Vườn của mẹ, nhận định hình thức cung ứng nông sản sạch hiện nay dựa trên cơ sở niềm tin trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan. Tuy nhiên, bà Hà cũng chỉ rõ, hình thức này chỉ suôn sẻ ở giai đoạn đầu với quy mô nhỏ, là giải pháp tình thế, khó có thể trở thành chuỗi thường xuyên liên tục.
Hiện tại, các cá nhân, doanh nghiệp tham gia phiên chợ nông sản cuối tuần đều đang nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM, từ chính quyền về mặt bằng và một số hỗ trợ khác nên đa phần không phải chịu phí tổ chức. Song, đa số người bán hàng tại các chợ phiên nông sản đều bày tỏ sự bức xúc trược thực tế người tiêu dùng vẫn thích rau đẹp và rẻ. Các nhà vườn kiến nghị cần thêm các hoạt động hỗ trợ người dân nhận biết nông sản sạch để chọn lựa đúng, từ đó giúp nông dân yên tâm sản xuất sạch.Ông Trần Văn Thi, bán cam và bưởi VietGAP ở chợ phiên Trung tâm Văn hóa quận 5 (TP.HCM), nhận xét vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chỉ quan tâm đến giá cả khi mua hàng. "Điều này gây khó khăn cho các nhà vườn sản xuất sạch, giá thành cao. Nông dân cần được hỗ trợ quảng bá để người tiêu dùng hiểu giá trị của trái cây an toàn, rõ nguồn gốc, không đánh đồng với sản phẩm trôi nổi trên thị trường…" - ông Thi đề nghị.