14:55 28/09/2009

Thuế tài nguyên: Bất công bằng đối tượng?

Từ Nguyên

Việc triển khai Luật Thuế tài nguyên có thể sẽ tạo ra bất bình đẳng bởi chính quy định đối tượng chịu thuế

Những ngư dân đánh bắt xa bờ cũng cần phải được đưa vào diện miễn thuế.
Những ngư dân đánh bắt xa bờ cũng cần phải được đưa vào diện miễn thuế.
Việc triển khai Luật Thuế tài nguyên có thể sẽ tạo ra bất bình đẳng bởi chính quy định đối tượng chịu thuế.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của  Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, tổ chức vào sáng 28/9.

Ngoài những nội dung về khung thuế suất, biên độ áp thuế với nhiều ý kiến trái chiều đã được đề cập tại các cuộc họp, hội thảo trong thời gian qua. Tại phiên họp lần này, các thành viên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã tập trung vào thảo luận những vấn đề liên quan đến việc quy định đối tượng chịu thuế và thuế suất.

Miễn thuế nông dân, đánh thuế... ngư dân?

Đại đa số ủy viên Ủy ban đều cho rằng, quy định đối tượng chịu thuế theo dự thảo của Chính phủ trình Quốc hội là không hợp lý. Cụ thể, các đại biểu cho rằng, đất nông nghiệp và biển đều thuộc tài nguyên của quốc gia. Thế nhưng, trong khi nông dân trồng lúa được miễn thuế nông nghiệp thì Luật Thuế tài nguyên lại tính chuyện đánh thuế ngư dân.

Do đó, nếu được triển khai, luật sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa người nông dân và những ngư dân đánh bắt trên biển.

Không chỉ thế, nhiều ý kiến cho rằng, việc ngư dân tham gia đánh bắt trên biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ cũng góp phần thể hiện chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với các nước trong khu vực. Nếu tiến hành đánh thuế, chắc chắn sẽ khó khuyến khích người dân phát triển đánh bắt xa bờ như mục tiêu của các cơ quan quản lý đặt ra.

Thậm chí, theo một ủy viên Ủy ban Tài chính, nếu có triển khai đánh thuế tài nguyên đối với đánh bắt xa bờ cũng khó thực hiện vì đa số ngư dân sẽ bán luôn số lượng khai thác được ngoài khơi.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà,  Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre, mặc dù dự thảo có đề cập đến việc giảm trừ cho hoạt động, cho doanh nghiệp đánh bắt xa bờ nhưng nếu quy định giảm trừ trong thời gian 10 năm thì cũng không còn ý nghĩa, vì thực tế ở địa phương này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở cũng chỉ tồn tại không quá… 10 năm. Theo bà, giải pháp tối ưu là nên miễn hẳn khoản thuế này đối với ngư dân.

Đối với tài nguyên rừng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trần Đình Long cho rằng, hiện Nhà nước đang khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Nếu chúng ta đánh thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác rừng thì cũng sẽ làm cho hiệu quả của mục tiêu bảo vệ rừng giảm đi rất nhiều.

Theo ông Long, đánh thuế vào khai thác rừng không có nghĩa là phải đánh trực tiếp vào người trồng rừng, bởi thực tế cuộc sống của họ vẫn rất khó khăn.

Hơn nữa, nếu khai thác rừng một cách khoa học, hợp lý thì cũng có nghĩa là bảo vệ rừng. “Đã giao rừng cho người dân phát triển, bảo vệ rồi quay lại đánh thuế thì sẽ dần dần không có ai dám nhận trồng rừng, bảo vệ rừng nữa”, ông Long nói.

Thuế suất vẫn quá thấp

Trái hẳn với ý kiến của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, hầu hết các ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đều cho rằng, thuế suất theo dự thảo là quá thấp và khung thuế suất cũng quá rộng. Điều này sẽ dẫn tới hệ lụy là không đủ chi phí để bù đắp, tái tạo lại mặt bằng, môi trường tại khu vực khai thác.

Theo ông Phan Đình Trạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, thực tế nhiều địa phương không thể kiểm soát được tình trạng khai thác tài nguyên, trong khi nhiều doanh nghiệp chế biến lại không có mỏ hoặc không đủ nguyên liệu đầu vào.

Trong khi đó, theo ông Trạc, nếu địa phương này quản lý chặt tài nguyên trôi nổi trên thị trường thì các đối tượng buôn lậu lại “tuồn” khoáng sản sang địa phương khác và kết quả là các doanh nghiệp trên địa bàn vừa không có đầu vào, còn tỉnh lại thất thu thêm một khoản đáng kể.

Vị này cho biết, trên thực tế lợi nhuận từ khai thác tài nguyên là rất lớn, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, song ngân sách Nhà nước lại thu được rất ít từ hoạt động này.

Thế nhưng, khung thuế suất của Chính phủ đưa ra trong dự thảo lại quá thấp, đa số mức trần là bằng hoặc thấp hơn so với Pháp lệnh hiện nay. Điều này cũng có nghĩa là sẽ “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp đổ bộ khai thác tài nguyên, trong khi chúng ta lại không khuyến khích.

Còn theo ông Trần Hồng Việt, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hậu Giang, mức thuế suất của dự thảo không những quá thấp mà biên độ cũng quá xa. Theo ông, không thể lấy lý do là “nguyên liệu đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất” làm căn cứ hạ thuế suất, bởi theo ông, giá dầu thô, sắt thép tăng cao trong thời gian qua thực tế không phải là do biến động đầu vào mà là do yếu tố đầu cơ trên thị trường.

Do đó, theo vị này, việc đưa ra mức thuế suất không chỉ căn cứ vào mục đích “tăng thu cho ngân sách” như dự thảo mà cần phải tăng cao hơn nữa để đảm bảo chi phí tái tạo, khắc phục hậu quả về môi trường sinh thái.

Ở một góc độ khác, bà Páo Mỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu cho rằng, nếu đánh thuế theo sản lượng khai thác như dự thảo là rất khó khả thi và sẽ khiến ngân sách bị thất thu vì hầu hết các doanh nghiệp khai thác đều không khai báo đúng sản lượng khai thác được.

Bà cho biết, rất nhiều doanh nghiệp tại địa phương này đã được cấp phép từ nhiều năm nay nhưng tỉnh vẫn chưa thu được một đồng thuế nào vì họ vẫn kêu chưa khai thác được, trong khi môi trường tại đây đã bị xâm hại nghiêm trọng.

Theo bà, thực tế các doanh nghiệp đã khai thác rất nhiều nhưng vì tỉnh không kiểm soát được nên vẫn phải “tin” vào khai báo của họ.