Thương hiệu smarthome nào đang dẫn đầu thị phần tại Việt Nam?
Thương hiệu smarthome được nhiều người dùng Việt biết đến và sử dụng nhiều nhất là Xiaomi (Trung Quốc). Các thương hiệu xếp vị trí thứ 2 và 3 là của Việt Nam...
Báo cáo thị trường Smarthome Việt Nam (Vietnam Smarthome Report 2022) do Công ty Lumi Việt Nam thực hiện và công bố ngày 27/4 dựa trên kết quả khảo sát hơn 10.000 đáp viên.
Theo báo cáo, ước tính doanh thu thị trường smarthome tại Việt Nam đạt khoảng 239,93 triệu USD trong năm 2022. Với mức tăng trưởng kép hàng năm khoảng 17,28% trong giai đoạn 2022-2026, dự báo doanh thu thị trường sẽ đạt 453,81 triệu USD vào năm 2026.
Trên toàn cầu, doanh thu thị trường smarthome năm 2022 ước đạt khoảng hơn 126 tỷ USD. Dự báo con số này sẽ tăng mạnh và đạt mức 207,8 tỷ USD vào năm 2026. Dự báo top 5 quốc gia có doanh thu smarthome cao nhất năm 2022 là Mỹ (33,66 tỷ USD); Trung Quốc (25,07 tỷ USD); Anh (9,06 tỷ USD); Đức (7,64 tỷ USD) và Nhật Bản (6,98 tỷ USD).
Phân tích thị trường Việt Nam, báo cáo nhận xét, số lượng các công ty startup, R&D và sản xuất smarthome gia tăng nhanh chóng so với các nước cùng khu vực. Thực tế này thúc đẩy các hoạt động truyền thông, “giáo dục” thị trường, tăng độ phủ của các sản phẩm smarthome với người tiêu dùng. Riêng với khối các doanh nghiệp smarthome Make in Vietnam, đội ngũ nhân sự, kỹ sư của các doanh nghiệp Việt có năng lực, khả năng tự học tốt. Với thị trường 100 triệu dân, 40% là dân thành thị…, Việt Nam là nước đang phát triển sẽ tạo cơ hội tiềm năng lớn.
Tuy nhiên, thị trường cũng đang gặp những khó khăn khi nền tảng doanh nghiệp phần cứng hiện tại của Việt Nam thiếu kinh nghiệm và nền công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh. Đặc biệt các đơn vị đang phải cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ nhiều lợi thế như Trung Quốc (rất mạnh về sản xuất) về giá và quy mô sản lượng thị trường…
Báo cáo nhận xét, môi trường kinh doanh ngành smarthome tại Việt Nam đang trong giai đoạn “nóng”. Cạnh tranh diễn ra không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà còn với nhiều thương hiệu ngoại đến từ Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc…
Theo báo cáo này, top 3 thương hiệu smarthome được sử dụng nhiều nhất, được nhiều người dùng biết đến nhất ở thị trường Việt Nam là Xiaomi (chiếm 35,85%), tiếp đó là Lumi (với 33,54%) và Bkav (12,58%). Các thương hiệu khác chiếm thị phần khiêm tốn như Tuya (2,73%), Samsung (1,26%), FPT (1,05%), An home (0,42%), Apple (0,42%)…
Tuy nhiên, khi được hỏi về lựa chọn giữa thương hiệu smarthome đến từ Việt Nam và nước ngoài với cùng mức giá, người dùng cho biết sẽ ưu tiên các sản phẩm Việt. Cụ thể, có 64,75% lựa chọn thương hiệu Việt và 35,25% lựa chọn thương hiệu nước ngoài.
Chia sẻ về xu hướng phổ biến smarthome, 76,4 người được khảo sát cho rằng, trong 5 năm tới (2027) được đánh giá smarthome phổ cập đối với người dùng Việt Nam. Chi phí cho giải pháp smarthome vẫn là rào cản với người dùng. Một số ý kiến cho rằng nhà thông minh sẽ trở nên phổ biến khi thu nhập của người dùng gia tăng hoặc giá thành thiết bị giảm xuống.
Báo cáo cho biết, có 80,5% số người tham gia khảo sát đã từng nghe tới khái niệm smarthome nhưng chỉ có 10,9% người Việt đã từng sử dụng trực tiếp. Thị trường smarthome đang rộng mở với rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ do nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng.
Trên thế giới, các giải pháp nhà thông minh được chia thành 6 phân khúc gồm: giải trí trong gia đình; giải pháp tiện lợi và chiếu sáng; hệ thống an ninh; điều khiển và kết nối; thiết bị gia dụng thông minh và giải pháp quản lý năng lượng.
Báo cáo cho biết, năm 2022 dự báo sẽ tập trung vào giải pháp an ninh và thiết bị gia dụng thông minh với sự hỗ trợ của trợ lý ảo bằng giọng nói như Alexa, Siri và Google Assistant; hệ thống quản lý năng lượng; cảm biến chuyển động; hệ thống chăm sóc sức khỏe; robot trợ lý; đèn thông minh, điện lưới thông minh; các tính năng tự điều chỉnh và trí thông minh nhân tạo.