08:45 02/08/2007

“Thương mại điện tử, khoản đầu tư quá hời”

Thanh Hà

Sau khi chuyển sang áp dụng thương mại điện tử, lượng vận chuyển hành khách của Pacific Airlines đã tăng trưởng mạnh

Tăng trưởng về vận chuyển hành khách trong 6 tháng đầu năm 2007 của Pacific Airlines tăng 38% so với 6 tháng đầu năm 2006 - Ảnh: Camus Tseng.
Tăng trưởng về vận chuyển hành khách trong 6 tháng đầu năm 2007 của Pacific Airlines tăng 38% so với 6 tháng đầu năm 2006 - Ảnh: Camus Tseng.
Từ tháng 2/2007, hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines đã chính thức chuyển hoàn toàn hệ thống đặt chỗ, bán vé và thanh toán thông qua hình thức thương mại điện tử, tại website www.pacificairlines.com.vn.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Pacific Airlines nói: “Đây thực sự là một cuộc cách mạng, làm thay đổi khả năng cạnh tranh của Pacific Airlines”.

Ông có thể cho biết những lợi ích mà Pacific Airlines có được từ khi chuyển sang hệ thống đặt chỗ tự động?

Pacific Airlines luôn xác định về việc thương mại điện tử sẽ giúp hãng thực hiện hàng không giá rẻ một cách nhanh nhất. Tính trung bình nếu in vé giấy phải mất chi phí từ 7-10 USD bao gồm các chi phí thiết kế, in, bảo quản, nhân viên phòng vé, kế toán tài chính...

Nhưng từ khi chuyển sang vé điện tử, chi phí cho các khâu này đã giảm xuống chỉ còn 1 USD (bằng 1/10 so với trước đây). Chi phí này đã được khấu trừ vào giá vé và mang lại một giá vé hợp lý cho khách hàng.

Về đầu tư, nếu như trước đây hàng năm phải chi 1 triệu USD cho hạ tầng hệ thống kỹ thuật bán vé thì đầu tư cho thương mại điện tử, Pacific Airlines mới đầu tư 500 ngàn USD (trong đó 300 ngàn cho hạ tầng mạng, còn lại là các chi phí khác). Chúng tôi dự kiến sẽ thu hồi vốn trong vòng không tới 1 năm.

Theo tôi, đây thực sự là một khoản đầu tư quá hời.

Các ông đã sử dụng công nghệ như thế nào để xây dựng hệ thống này?

Pacific Airlines hiện đang sở hữu một hệ thống bán vé hiện đại với phần mềm của Navitaire và hạ tầng mạng của Juniper Networks. Cho đến nay, hệ thống vẫn hoạt động ổn định, chưa xảy ra bất kỳ sự cố nào.

Theo tôi, để thực hiện được thương mại điện tử thì phải sử dụng công nghệ và thiết bị hiện đại. Nếu không hiện đại thì không thể làm được.

Thông thường, các hãng hàng không khác khi chuyển sang thương mại điện tử sẽ chọn phương án thay thế dần dần, phải mất một thời gian nào đó mới chuyển hẳn sang hình thức kinh doanh điện tử.

Tuy nhiên, Pacific Airlines lại chọn phương án chuyển đổi hoàn toàn tại cùng một thời điểm. Nếu như ngày 12/2 chúng tôi vẫn sử dụng vé giấy thì sang ngày 13/2 chúng tôi chuyển hoàn toàn sang thương mại điện tử, đặt chỗ, mua vé, in vé, thanh toán... hoàn toàn qua mạng Internet.

Đã có những thay đổi nào về kinh doanh từ khi các ông chuyển sang hệ thống thương mại điện tử?

Đây thực sự là cuộc cách mạng thay đổi khả năng cạnh tranh của Pacific Airlines. Có thể nói, chúng tôi đã đạt được những kết quả rất tốt.

Tăng trưởng về vận chuyển hành khách trong 6 tháng đầu năm 2007 của Pacific Airlines tăng 38% so với 6 tháng đầu năm 2006. Hệ số sử dụng ghế nếu như trước đây chỉ đạt 70-72% thì nay đã đạt con số 85%, cá biệt có những tháng mùa hè, tỷ lệ này đạt tới 96%.

Thêm vào đó, khách hàng cũng được hưởng những lợi ích từ sự minh bạch do ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử đem lại. Khách hàng đã đặt chỗ, hệ thống báo hết chỗ là không ai có thể can thiệp được.

Trong quá trình vận hành hệ thống, các ông có gặp khó khăn gì?

Khó khăn riêng thì không có nhưng có một khó khăn chung đối với các doanh nghiệp là tốc độ truy cập Internet của Việt Nam còn rất hạn chế. Điều này gây phiền toái cho các khách hàng khi thực hiện mua bán hàng qua mạng.

Còn với hệ thống của chúng tôi, khả năng xử lý các giao dịch là không hạn chế. Chúng tôi đã test giả định với 5.000 người cùng truy cập vào hệ thống một lúc mà cũng không có vấn đề gì xảy ra. Thực tế đã có lúc chúng tôi bán hết 30 ngàn vé rẻ chỉ trong 2 tiếng đồng hồ và khi đó, số người truy cập trong cùng thời điểm trên còn có thế lớn hơn rất nhiều so với lượng vé bán ra.

Bên cạnh đó, khi chuyển sang thương mại điện tử, trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã phải giải quyết thôi việc cho hơn 100 người, trong đó chủ yếu là nhân viên phòng vé và tài chính. Mặc dù được giải quyết theo chế độ nhưng quan trọng nhất theo tôi, là phải làm cho người lao động hiểu được về việc duy trì lao động dôi dư là không tốt cho cả 2 bên.

Ông có nhận xét như thế nào về tình hình phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay?

Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chúng ta đang có sự hiểu sai lệch về thương mại điện tử. Hàng năm, có chương trình đánh giá và xếp hạng 10 website thương mại điện tử tốt nhất Việt Nam. Tuy nhiên, trong đó lại không có trang web nào đạt đầy đủ các tiêu chí của thương mại điện tử (e-business hoặc e-commerce) cả, mà mới chỉ dừng lại ở mức độ tiếp thị (e-marketing hoặc e-communication) mà thôi.

Theo tôi, thương mại điện tử phải giải quyết được vấn đề mua và bán trên mạng, từ khâu giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, chào giá và thanh toán tiền qua Internet.

Tôi cũng được biết rằng, hiện chúng ta đang có hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử một cách đúng nghĩa mà thôi, đó là Pacific Airlines từ tháng 2/2007 và Viettravel từ tháng 5/2007.