10:19 25/10/2012

Thủy sản chật vật trong năm “khó khăn kép”

Nguyễn Huyền

Năm 2012, ngành thủy sản phải đối mặt với những thách thức nội tại lẫn bên ngoài

Thủy sản Việt Nam đứng trước nguy cơ giảm sức cạnh tranh mạnh.
Thủy sản Việt Nam đứng trước nguy cơ giảm sức cạnh tranh mạnh.
2012 là một năm khó khăn chung với tất cả các ngành kinh tế, riêng đối với thủy sản thì đây còn là năm “khó khăn kép”.

Tại hội thảo “Những giải pháp phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản bền vững”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam  phối hợp với Hiệp hội Chế  biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức ngày 24/10 tại Cần Thơ, các số liệu được đưa ra cho thấy mặc dù tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2012 đạt trên 4,5 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, song giá trị xuất khẩu thủy sản tăng chủ yếu là do giá cả thế giới tăng.

Bà Dương Phương Thảo, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng nói trên, có khả năng mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ khó đạt.

Năm 2012, ngành thủy sản phải đối mặt với những thách thức nội tại lẫn bên ngoài. Đó là sự bất ổn trong các thị trường truyền thống, rào cản từ các nước nhập khẩu ngày càng gia tăng... Xuất khẩu tại hầu hết các thị trường chủ lực đều sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, những khó khăn nội tại cũng rất gay gắt, trong đó nổi bật lên là vấn đề thị trường và vốn, tiếp đến là dịch bệnh, rồi các loại chi phí, các rào cản đã làm tăng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp. Thủy sản Việt Nam đứng trước nguy cơ giảm sức cạnh tranh mạnh.

Trước những khó khăn này, các doanh nghiệp thủy sản cũng đã tự thân vận động với những hỗ trợ kịp thời từ phía các cơ quan chủ quản nhà nước. Chiến lược “Phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 chính là định hướng quan trọng để đẩy mạnh công tác quản lý và chỉ đạo phát triển hợp lý các đối tượng nuôi chủ lực, góp phần quan trọng vào việc ổn định sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho người nuôi và doanh nghiệp.

Theo GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, để hỗ trợ cho ngành thủy sản, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện việc giãn nợ, hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất cho các hộ gia đình, doanh nghiệp thủy sản.

Bộ Công Thương sẽ tham gia đề xuất giảm mức thuế xuất nhập khẩu cho các mặt hàng thủy sản trong các hiệp định đàm phán song phương và đa phương sẽ ký trong thời gian tới..., tạo cơ sở giảm giá tiêu thụ hàng hóa thủy sản Việt Nam, tăng sức cạnh tranh tại các thị trường mục tiêu.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, hiện nay vùng đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm từ 60 - 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước, giá trị xuất khẩu thủy sản của vùng cũng chiếm trên 60% so với kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên thời gian qua, đầu tư của Nhà nước cho thủy sản chưa tương xứng với đóng góp của ngành.

Do vậy, Thứ trưởng Tám nhìn nhận, đầu tư cho ngành thủy sản cần phải kêu gọi thêm vốn ODA, các nguồn vốn FDI và các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế cũng như tư nhân.

Theo ông Dương Long Trì, Giám đốc Trung tâm Thông tin thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành thủy sản cần sớm thực hiện những giải pháp: phát triển khai thác hải sản trong phát triển kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và hiệu quả; nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của mặt hàng thủy sản gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành thủy sản...

Đồng thời, các bộ ngành, các cơ quan hữu quan cần phối hợp chặt chẽ, ưu tiên thực hiện các chương trình phát triển thị trường, tập trung đầu tư phát triển chế biến thủy sản xuất khẩu theo chiều sâu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp

Hiện tại, sản phẩm thủy sản Việt Nam đang có mặt tại hơn 150 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường mới như khu vực châu Phi và Trung Đông. Năm 2011, trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6,2 tỷ USD của toàn ngành, thì xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD (tăng 13,7% so với năm 2010), xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD (tăng 26,5%). Các mặt hàng khác như nhuyễn thể chân đầu (mực và bạch tuộc), cá ngừ, các loại cá khác vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.