11:57 20/02/2014

Tiền bí đầu ra, chứng khoán hưởng lợi!

Trọng Nghĩa

Chỉ tính từ đầu tháng 1/2014 đến ngày 19/2/2014, VN-Index đã tăng trưởng gần 14,6% và HNX-Index tăng 21,2%

Ngoài câu chuyện dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào thị trường Việt Nam, dòng vốn của nhà đầu tư trong nước cũng không ngừng tăng lên.
Ngoài câu chuyện dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào thị trường Việt Nam, dòng vốn của nhà đầu tư trong nước cũng không ngừng tăng lên.
Tình trạng tăng trưởng tín dụng âm trong những tháng đầu năm 2014 trong khi khả năng giảm thêm 1-2% lãi suất cho vay đang giúp thị trường chứng khoán hưởng lợi.

Thị trường chứng khoán liên tục ghi nhận quy mô giao dịch tăng rất cao kể từ đầu tháng 12 năm ngoái. Đặc biệt trong những phiên đầu tháng 2/2014, giá trị giao dịch hàng ngày bắt đầu vượt lên trên con số 3.000 tỷ đồng.

Ngoài câu chuyện dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào thị trường Việt Nam, dòng vốn của nhà đầu tư trong nước cũng không ngừng tăng lên.

Thống kê giá trị giao dịch qua từng phiên đã cho thấy mức độ tăng trưởng của dòng tiền trên thị trường rất đáng chú ý: bình quân tháng 10/2013, mỗi phiên thị trường đón nhận khoảng 1.094,5 tỷ đồng giá trị khớp lệnh thành công. Tháng 11/2013, con số tăng lên 1.395,6 tỷ đồng/phiên. Tháng 12/2013 là 1.495,8 tỷ đồng/phiên. Tháng 1/2014 mặc dù có ngày nghỉ, giá trị khớp lệnh vẫn đạt 1.826,8 tỷ đồng/phiên.

Đặc biệt, chỉ trong 10 phiên đầu tháng 2/2014, quy mô giao dịch hàng ngày lên tới con số 2.849,9 tỷ đồng.

Quy mô giao dịch tăng lên cùng với mức tăng trưởng rất tốt của giá cổ phiếu đã khiến thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Chỉ tính từ đầu tháng 1/2014 đến ngày 19/2/2014, VN-Index đã tăng trưởng gần 14,6% và HNX-Index tăng 21,2%.

Mức tăng trưởng của điểm số thậm chí còn thấp hơn nhiều mức tăng giá của nhiều cổ phiếu cụ thể.

Ngoài yếu tố hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, yếu tố dòng tiền còn được hỗ trợ từ chính bối cảnh “thừa tiền” nhưng bí đầu ra. Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không hề dễ dàng, trong bối cảnh các ngân hàng vẫn rất dè chừng với nợ xấu.

Do đó, nằm giữa áp lực tăng tín dụng và các cơ hội ngắn hạn, thị trường chứng khoán đang là kênh hưởng lợi nhiều nhất.

Ngay từ tháng 12 năm ngoái, hàng loạt công ty chứng khoán đã đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ đòn bẩy tài chính kết hợp với những dịch vụ chăm sóc khách hàng đặc biệt. Lãi suất cho vay margin được hạ liên tục. Có thể thống kê hàng loạt chuyển biến mới như VCBS hạ lãi suất từ 0,045%/ngày xuống 0,04%. HSC từ 0,045%/ngày còn 0,043%/ngày. FPTS cũng hạ với mức độ tương tự. Trong cuộc đua giảm lãi suất còn có đủ các cái tên như VNDS, SSI, VPBS, BVSC…

Các công ty chứng khoán có ngân hàng “mẹ” hỗ trợ cũng tung ra những gói hỗ trợ mà thực chất là kết hợp giải ngân vốn. Điển hình là SHS cung cấp sản phẩm Margin 3+ có sự hợp tác của ngân hàng SHB với quy mô ban đầu tới 500 tỷ đồng. Dịch vụ này có lãi suất 12%/năm trong thời gian 90 ngày.

Điểm khá mới trong đợt điều chỉnh giảm lãi suất mới này là các công ty chứng khoán cũng chú trọng hơn đến chất lượng. Danh mục và tỉ lệ margin đã có sự thay đổi theo chất lượng tài sản. Có thể nhận thấy các cổ phiếu được hỗ trợ margin ở mức độ tối đa đều là những cổ phiếu tốt, thanh khoản đảm bảo. Mặt khác, qua những thăng trầm của thị trường trong suốt những năm qua, vấn đề quản trị rủi ro cũng được cả công ty chứng khoán lẫn khách hàng quan tâm nhiều hơn.

Đối với nhà đầu tư, yếu tố lãi suất chỉ mang tính hỗ trợ mà điều quan trọng hơn là xu hướng thị trường. Mức lãi suất chênh lệch 0,001%-0,003% không phải là yếu tố quyết định. Tuy nhiên động giảm lãi suất margin nên được nhìn nhận dưới góc độ xu hướng: chi phí vốn đã rẻ hơn và có thể còn rẻ hơn nữa. Thị trường chứng khoán luôn luôn nhạy cảm và có phản ứng tích cực với biến động của chi phí vốn.