06:00 05/06/2021

Tiền đã khó, nhưng không dễ để có 150 triệu liều vaccine

Dũng Hiếu

Ba loại “vũ khí” hạng nặng nhằm chặn “giặc” Covid-19, đó là: xét nghiệm diện rộng; ứng dụng công nghệ để truy vết, bủa vây, ngăn chặn; vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Đợt bùng dịch thứ tư tại Việt Nam, chủng virus mới nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh và lan rộng đã khiến Việt Nam phải có cách tiếp cận mới để phòng chống hiệu quả hơn.

Đó là chuyển trạng thái phòng chống dịch “từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Sự hài hòa giữa tấn công và phòng ngự được hiểu là chúng ta cần phải có vaccine theo chiến lược: 5K - công nghệ - vaccine.

KHÓ TIỀN, ĐÃ CÓ THÊM TỪ QUỸ VACCINE

Việt Nam đã xác định việc mua vaccine phòng Covid-19 là rất cần thiết, cấp bách cần làm ngay. Điều này đã được xác nhận tại Công văn số 50-CV/TW ngày 19/2/2021 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Và sau đó một tuần, tức ngày 26/2/2021, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vaccine.

Đến ngày 27/4/2021, thời điểm bùng phát đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam, diễn biến dịch trở nên rất phức tạp với loại chủng virus mới Ấn Độ, tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều lần. Cho nên, việc cùng lúc vừa phải thực hiện 5K, vừa đẩy nhanh xét nghiệm diện rộng, ứng dụng công nghệ trong giám sát, truy vết, đã cho thấy cần phải có vaccine bằng mọi cách.

Theo tính toán của Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long, trong năm 2021 Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân, với kinh phí ước tính trên 25 nghìn tỷ đồng. Số lượng vaccine lớn như vậy, hoàn toàn phải nhập ngoại vì trong nước chưa sản xuất được.

 

Bộ Y tế vừa công bố 36 đơn vị được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu, bảo quản vaccine, trong đó có vaccine Covid-19. 

Với số tiền ước tính để mua vaccine như trên quả là gánh nặng rất lớn đối với ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính dự kiến ngân sách Trung ương sẽ chi khoảng 16.000 tỷ đồng, còn ngân sách địa phương và các khoản đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân vào khoảng 9.200 tỷ đồng. Nhà nước cần sự đồng lòng ủng hộ của mọi tổ chức cá nhân  việc mua vaccine nhằm giảm bớt nguồn chi từ ngân sách Nhà nước.

Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine để tập hợp nguồn lực. Đồng thời, Thủ tướng cũng kêu gọi mọi người dân, mọi tổ chức doanh nghiệp trong điều kiện có thể của mình đóng góp trí tuệ, ý kiến, tiền của, phương pháp và kể cả quan hệ để mua vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine…

Việc thành lập Quỹ vaccine là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, huy nhằm động nguồn lực xã hội để đảm bảo toàn bộ người dân được tiêm chủng vaccine. Như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận xét: “Có thể nói rằng, đây là một trong những cơ chế tài chính vừa huy động tổng lực từ ngân sách Nhà nước, đóng góp của xã hội, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân, để đảm bảo vaccine cho người dân”.

BẰNG MỌI CÁCH ĐỂ CÓ VACCINE SỚM NHẤT  

Ưu thế của vaccine để ngăn chặn đại dịch Covid-19 là rất rõ ràng. Ngay từ đầu Việt Nam đã chú trọng tới việc nghiên cứu vaccine và đã có 4 đơn vị tiến hành nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19. Trong đó vaccine NanoCovax của Công ty Nanogen đang được xem là ứng viên tiềm năng, hiện đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3.

Với nguồn vaccine bên ngoài, Việt Nam là 1 trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca. Việt Nam cũng là 1 trong 92 quốc gia được Covax Facility hỗ trợ tới 38,9 triệu liều vaccine.

Thông qua cơ chế đàm phán, Việt Nam cũng đã đạt được thỏa thuận có 110 triệu liều vaccine, dự kiến, sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Mới đây nhất, Bộ Y tế cũng đàm phán, ký thỏa thuận với Pfrizer để mua 30 triệu liều vaccine. Công ty Vabiotech đã hợp tác với phía Nga, dự kiến đến tháng 7/2021 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều Sputnik V/tháng.

 

Nếu đơn vị nào có điều kiện tiếp cận nguồn cung vaccine, có thể trực tiếp tới Bộ Y tế, hoặc với một trong số 36 đơn vị có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vaccine theo quy định của pháp luật để làm việc.

Để tiếp cận được nguồn vaccine là rất khó. Từ nhiều tháng nay, Bộ Y tế liên tục có hàng chục cuộc tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine, cũng như cơ quan y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vaccine, nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để sớm có vaccine nhất.

Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam tới các doanh nghiệp sản xuất vaccine cũng hạn chế. Bởi là Việt Nam là một nước kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua, chưa phải là điểm nóng về dịch Covid-19 như nhiều nước trên thế giới.

Trong quá trình tiếp xúc, Bộ Y tế cũng đã phát hiện  tình trạng “lừa đảo vaccine” của bên thứ ba. Vì thế, Bộ khuyến cáo các đơn vị nên làm việc trực tiếp với nhà sản xuất, hoặc đơn vị được nhà sản xuất ủy quyền, không nên qua bên thứ ba, để tránh nguy cơ mua phải vaccine giả mạo hoặc bị lừa đảo như khuyến cáo từ Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol.

Song song với việc mua vaccine, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine từ 4 nhà sản xuất trong nước. Ngoài ra, “Việt Nam còn có kế hoạch mua bản quyền vaccine, tiếp cận chuyển giao vaccine, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để có thể tự chủ vắc xin sử dụng trong nước” Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.