Tiền không thiếu, hai dự án bệnh viện "nghìn tỷ" vẫn ngừng thi công 18 tháng
Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 là điển hình cho yếu kém trong quản lý đầu tư xây dựng
"Việc triển khai các dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam đã dừng thi công 18 tháng nay. Đây là một trong những điển hình yếu kém trong đầu tư xây dựng, mặc dù rất bức thiết, bệnh viện thì quá tải, người bệnh thì khổ sở, Nhà nước tập trung toàn lực vào đây, không thiếu tiền, nhưng dự án này giải ngân rất chậm, không có công nhân làm việc".
Thông tin được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo 3 bộ khối xã hội là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich; Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế về thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trung hạn và kế hoạch năm 2018, ngày 24/5.
Tiền nhiều nhưng không chịu "tiêu"
Theo đánh giá của Phó thủ tướng, đây là 3 Bộ có tiến độ giải ngân vốn rất chậm, "chậm nhất toàn quốc".
Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí cho 3 Bộ này 44.000 tỷ đồng, trong đó Bộ Y tế được giao 32.000 tỷ đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo 8.000 tỷ đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 3.500 tỷ đồng.
Riêng năm 2018, Bộ Y tế phải giải ngân 5.260 tỷ đồng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 337 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo là hơn 1.300 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 4/2018, tỉ lệ giải ngân của Bộ Y tế là 1,36%, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 6,28%, Bộ Giáo dục và Đào tạo giải ngân được 17%. Còn phần vốn nước ngoài thì cả 3 Bộ chưa giải ngân được đồng nào. Số vốn khoảng 17 tỷ đồng chuyển từ năm 2017 sang thuộc trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chưa được giải ngân.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ nêu rõ nguyên nhân trong tổ chức thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng; chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ hay là của Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực trong tổ chức thực hiện, thanh tra, giám sát dự án; cam kết giải pháp thực hiện, không phải họp xong để đấy.
Giải trình trước Phó thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết đầu năm 2014, Thủ tướng cho phép Bộ Y tế chỉ định thầu xây dựng cơ sở 2 của hai bệnh viện tuyến Trung ương, nhưng Bộ Y tế tiến hành đấu thầu rộng rãi lựa chọn các nhà thầu như Tổng công ty 36, Thành An, Vinaconex... (cho các gói thầu của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2) và các nhà thầu Công ty cổ phần Hồng Hà, Thành Đạt, Vinaconex, VK... (cho các gói thầu của dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2).
Tới 10/5, dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã giải ngân được 76,66%, đang gặp vướng mắc ở quy định về thiết kế phải có dự toán, sau khi có thiết kế và dự toán thì mới được phê duyệt giải ngân qua kho bạc. Còn Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 mới giải ngân đạt 56%.
"Tới nay tiến độ đầu tư xây dựng đã chậm 18 tháng và Bộ Y tế đã trình Thủ tướng cho phép kéo dài dự án tới hết năm 2019 sẽ hoàn thành thanh quyết toán. Quý 3 này sẽ đấu thầu trang thiết bị", Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nói.
Bộ Y tế xin nhận trách nhiệm
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thực tế hai dự án trên chậm tiến độ có phần nguyên nhân là do Bộ Y tế đã chuyển từ tổng thầu EPC (xây dựng-chuyển giao) sang các gói thầu và đấu thầu lựa chọn nhà thầu cho từng gói, đồng thời lại chậm triển khai dự toán công trình.
Đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết pháp luật quy định phải có dự toán thì mới được giải ngân. Theo các quyết định ban đầu, Đề án 125 thực hiện theo hình thức EPC nên khi chưa được duyệt dự toán thì chưa giải ngân được.
Để tháo gỡ khó khăn, Nghị định số 37 của Chính phủ về hợp đồng khi chưa có dự toán sẽ được tạm ứng 50% kế hoạch vốn cho khối lượng công việc đã hoàn thành. Kho bạc Nhà nước đề nghị Bộ Y tế và chủ đầu tư phải nhanh chóng hoàn thành dự toán đã được phê duyệt.
Kho bạc Nhà nước cho biết dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 thì giải ngân dược 1.066 tỷ đồng và dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 mới giải ngân được 1.095 tỷ đồng (thấp hơn nhiều so với số liệu của Bộ Y tế). Trong năm 2018, Kho bạc Nhà nước cũng đã thu hồi 1.000 tỷ đồng vốn tạm ứng trước đó cho 2 dự án bệnh viện này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết: "Nguồn vốn 3.200 tỷ đồng đã giao cho 2 dự án bệnh viện. Đất đai cho 2 dự án này cũng là đất sạch. Việc triển khai dự án là trách nhiệm của Bộ Y tế".
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ này là dự án chậm giải ngân thì cắt vốn chứ không thực hiện kéo dài dự án nữa như quy định của Luật Đầu tư công.
"Kéo dài không chỉ dẫn đến tăng chuyển nguồn mà còn dẫn đến thay đổi khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ, nghĩa là kỷ luật điều hành ngân sách có vấn đề", ông Hải nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Bộ Y tế xin nhận trách nhiệm với Chính phủ trong việc chậm giải ngân các dự án nói trên.