Tiền ngại đuổi giá, thanh khoản sụt giảm mạnh, cổ phiếu hạ độ cao
Độ rộng của VN-Index cho đến hết phiên sáng vẫn còn tốt nhưng so với thời điểm đầu phiên thì đã kém nhiều. Thanh khoản khớp lệnh của HoSE giảm tới 30% so với sáng hôm qua, thể hiện sự cạn kiệt dòng tiền đuổi giá cao...
Độ rộng của VN-Index cho đến hết phiên sáng vẫn còn tốt nhưng so với thời điểm đầu phiên thì đã kém nhiều. Thanh khoản khớp lệnh của HoSE giảm tới 30% so với sáng hôm qua, thể hiện sự cạn kiệt dòng tiền đuổi giá cao.
VN-Index chốt phiên sáng tăng 0,46% tương đương 5,76 điểm. So với mức đỉnh lúc 10h30 tăng 0,82% thì mức tụt cũng không nhiều.
Tuy vậy độ rộng của chỉ số này thì kém dần. 30 phút giao dịch đầu tiên, VN-Index có 232 mã tăng/85 mã giảm. Khi chỉ số tăng tốt nhất, độ rộng ghi nhận 260 mã tăng/116 mã giảm. Đến hết phiên sáng, độ rộng chỉ còn 222 mã tăng/169 mã giảm.
Tình trạng hạ độ cao của giá cổ phiếu là rất rõ ràng, dù phần lớn vẫn chỉ mới thu hẹp mức tăng. Thống kê tại HoSE cho thấy tới 292/361 cổ phiếu xuất hiện giao dịch trong buổi sáng đã tụt khỏi giá đỉnh của phiên với mức độ khác nhau. 186 mã trong số này đã tụt từ 1% trở lên.
Diễn biến giá suy yếu dần kết hợp với thanh khoản quá thấp cho thấy lực cầu giá cao không còn dồi dào như hôm qua. Nhà đầu tư mua ít, chọn giá thấp hơn khiến người muốn bán phải hạ giá dần xuống mới khớp lệnh được. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay giảm tới 30%, chỉ còn gần 5.814 tỷ đồng. Đặc biệt rổ VN30 giảm giao dịch tới 35%, đạt 1.514 tỷ đồng.
Điểm khác biệt trong giao dịch giữa phiên sáng nay và sáng hôm qua là hôm qua giá lao dốc mạnh hơn trong khi sáng nay thì tăng. Giá giảm mạnh đã kích thích được dòng tiền tham lam vào bắt đáy, trong khi giá tăng lại khiến dòng tiền ngần ngại hơn. Hôm nay cũng là phiên đáo hạn phái sinh nên tâm lý có phần cộng hưởng với lo ngại biến động thất thường. Tuy vậy đây không hẳn là lý do quan trọng, vì thị trường đã trải qua nhiều phiên đáo hạn theo cách tính giá thanh toán mới. Nếu kỳ vọng thật sự mạnh mẽ thì biến động ở một thời điểm không thể chi phối quyết định mua bán được.
Điểm tốt trong diễn biến hạ độ cao sáng nay là mức giảm chưa quá nhiều, cổ phiếu trên tham chiếu vẫn trội hơn. Điều đó nghĩa là hiệu ứng hạ giá chưa có sự đột biến từ phía bán. VN-Index vẫn tăng 0,46%, VN30-Index tăng 0,26%, Midcap tăng 0,43% và Smallcap tăng 0,21%.
Nhóm cổ phiếu blue-chips không có sự nổi trội nào, chủ đủ để giữ nhịp cân bằng cho các chỉ số. Độ rộng của VN30 dù có 22 mã tăng/7 mã giảm, nhưng duy nhất 4 mã tăng đáng kể là POW tăng 2,83%, GVR tăng 2,4%, VRE tăng 1,23%, SAB tăng 1,03%. VN-Index được kéo chính từ BCM tăng 4,15%, EIB tăng 4,69%, VCB tăng 0,51%, GAS tăng 0,71%, MSN tăng 0,8%, VNM tăng 0,81% và GVR. Có thể thấy biên độ giá không phải là sức mạnh chính nữa, mà là vốn hóa.
Trong bối cảnh thanh khoản rất kém, nhóm cổ phiếu tầm trung giao dịch tốt hơn cả, dễ hút tiền và giá cũng dễ tăng. Một số cổ phiếu nổi bật với thanh khoản trên 20 tỷ đồng có thể kể tới EIB tăng 4,69%, CKG tăng 4,29%, NBB tăng 4,16%, BCM tăng 4,15%, TDC tăng 3,83%, BWE tăng 3,4%, DPM tăng 2,7%, DCM tăng 2,28%, VGC tăng 1,91%...
Thị trường đang trong tình trạng phân hóa về sức mạnh nên cũng không có nhóm cổ phiếu nào nổi bật, chỉ có cổ phiếu cụ thể thu hút được chú ý. Nhóm dầu khí, hóa chất, bất động sản, thậm chí là ngân hàng hay chứng khoán nhìn chung là yếu, dù vẫn có vài đại diện nổi lên. Đây là diễn biến bình thường khi thị trường không có động lực thật sự nào để có thể tạo sự đồng thuận đủ rộng rãi.
Nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng 197,4 tỷ đồng trên HoSE nhưng chủ đạo là bán chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 59,1 tỷ đồng. Nhóm HPG, VND, SSI, VHM, VGC, DGW, STB bị bán rõ hơn cả nhưng cũng chỉ trong khoảng 10 -15 tỷ đồng. Phía mua không có cổ phiếu nào đáng kể, lớn nhất là VJC cũng chỉ chưa tới 7 tỷ đồng ròng.