11:16 04/05/2019

Tiền tệ và tài khoá đã hết "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"?

Nguyên Vũ

Năm 2019 dư địa về tài khoá và tiền tệ gần như đã cạn, khi mà tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức 130%

Chuyên gia Cấn Văn Lực phát biểu trong phiên họp của Uỷ ban Kinh tế.
Chuyên gia Cấn Văn Lực phát biểu trong phiên họp của Uỷ ban Kinh tế.

Trước đây nhiều khi "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", bây giờ phối hợp chính sách tiền tệ và tài khoá tốt lên rất nhiều.

Đó là nhận xét của chuyên gia Cấn Văn Lực, trong phiên họp của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội mới đây.

Theo dự kiến, đầu phiên họp thứ 34 bắt đầu từ ngày 8/5 tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018,  đánh giá tình hình những tháng đầu năm 2019.

Báo cáo này của Chính phủ thường được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị. Trong phiên thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cuối tháng 4 vừa qua, báo cáo cũng được phát hành bởi Bộ này.

Theo báo cáo đó, trong những tháng đầu năm, các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định, ngoại hối diễn biến tích cực, cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi, thanh khoản tốt, dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng lên, thu chi ngân sách cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Đánh giá về giá cả, lạm phát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng CPI quý 1/2019 có mức tăng thấp nhất trong ba năm trở lại đây là nhờ sự chủ động điều hành giá xăng dầu, kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Báo cáo chung gần như không đề cập, song báo cáo riêng của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước gửi cơ quan thẩm tra đều nhắc đến sự phối hợp giữa tài khoá và tiền tệ.

Theo Bộ Tài chính thì năm 2018, công tác điều hành chính sách tài chính, tiền tệ tiếp tục được điều hành, phối hợp chặt chẽ. Bộ Tài chính đã thường xuyên chia sẻ thông tin về tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản với ngân hàng Nhà nước để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác điều hành thị trường tài chính, tiền tệ.

Bộ Tài chính cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc tập trung quản lý các khoản tiền tạm thời nhàn rỗi của ngân sách, điều hoà luồng tiền ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước với ngân hàng nhà nước, tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ với khối lượng, lãi suất và thời điểm phát hành phù hợp, kết hợp với sự điều hành sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước, qua đó vừa đáp ứng được yêu cầu huy động vốn cho ngân sách nhà nước, vừa góp phần thực thi chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước, trong báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế cũng nêu bật kết quả chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác.

Cụ thể, trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ, giá hàng hoá dịch vụ, dự báo lạm phát, làm cơ sở để tính toán liều lượng, mức độ điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát chung, ổn định thanh khoản thị trường tiền tệ, ngoại tệ, giảm chi phí huy động vốn cho ngân sách với kỳ hạn được kéo dài.

Doanh số phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018 đạt 196.797 tỷ đồng, gần đạt mục tiêu phát hành năm 2018, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ giảm 0,18% - 0,98% năm so với cuối năm 2017.

Một trong những cái được của điều hành kinh tế 2018, theo chuyên gia Cấn Văn Lực chính là phối hợp chính sách tiền tệ và tài khoá đã tốt lên rất nhiều.

Trước đây rõ ràng nhiều khi "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", bây giờ hai bên đã đồng thuận về thời điểm về liều lượng, cung cấp thông tin khá tốt, ông Lực nhận xét.

Tuy nhiên vị chuyên gia này cũng cho rằng với 2019 dư địa về tài khoá và tiền tệ gần như đã cạn, khi mà tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức 130% (theo đánh giá của ngân hàng Nhà nước thì mức này khá cao -PV), ngân sách thì hạn hẹp khó có thể ứng cứu khi có tác động lớn từ bên ngoài.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng nhìn nhận, năm 2019 kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với khó khăn thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá để thúc đẩy tăng trưởng còn hạn chế.

Trong bối cảnh này, Bộ Tài chính "hứa" sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ thông suốt, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.