Tiếp tục họp xem xét thông qua Quy hoạch Thủ đô
Phiên họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 xem xét, quyết định 17 nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền, trong đó sẽ xem xét thông qua Quy hoạch Thủ đô…
Ngày 29/3, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 15 (chuyên đề). Tại Kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, quyết định các vấn đề lớn, quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội theo thẩm quyền, với 17 nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chính.
Trong đó, Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để UBND thành phố hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 - tháng 5/2024 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng đây là nội dung lớn, rất quan trọng, cùng với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được tập trung hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới đây và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ, sẽ tạo ra khung khổ pháp lý, thể chế quan trọng cho sự phát triển Thủ đô.
Đồng thời, tạo lập không gian phát triển, động lực mới, giá trị mới để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng “Văn hiến - văn minh - hiện đại” nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị đại biểu tập trung nghiên cứu kỹ các nội dung, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện Quy hoạch, trong đó đặc biệt là các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, những vấn đề đang được đặt ra trong thực tiễn phát triển của thành phố.
Ngoài ra, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, quyết định các nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công, chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công và điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024 của thành phố.
Hội đồng nhân dân Thành phố cũng xem xét, quyết định các nội dung quan trọng về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội: Bổ sung biên chế viên chức giáo dục của Thành phố; quy định mức thu học phí, dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo; chế độ chăm sóc sức khoẻ cán bộ; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; mức hỗ trợ nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hoá ở cơ sở; tổ chức lại quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; các hoạt động nhằm tri ân, tôn vinh các gia đình chính sách, người có công, các cá nhân tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Điện Biên…
Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực Hội đồng nhân dân đã chỉ đạo các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, thẩm tra. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức phản biện xã hội đối với một số nội dung quan trọng, tác động sâu rộng, làm cơ sở để Hội đồng nhân dân Thành phố thảo luận và quyết định, đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống.