11:00 31/08/2022

Tìm giải pháp ngăn tín dụng đen lộng hành

Hoàng Việt - Tuấn Huy

“Tàn khốc” là từ mà đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Thủy tỉnh Bắc Kạn dùng để nói về những hành vi đòi nợ của các đối tượng cho vay nặng lãi. Theo bà Thủy, cần sớm tìm giải pháp để ngăn tín dụng đen hoành hành như trong thời gian gần đây...

Cho vay số tiền lớn, người vay không cần thế chấp, thủ tục giải ngân nhanh gọn… Đây là những lời chào mời rất hấp dẫn đối với công nhân, người lao động. Nhưng đằng sau “mật ngọt” là vô số cạm bẫy từ các đường dây tổ chức chuyên cho vay nặng lãi, tín dụng đen cho vay trực tiếp hoặc cho vay qua app…

Hiện, những clip ghi lại cảnh những đối tượng côn đồ xăm trổ ném chất bẩn vào nhà con nợ hoặc đã trở nên quá phổ biến, không còn đủ sức “hút view” trên các trang mạng xã hội. Thực tế trò “chơi bẩn” này đã lỗi thời, hiện các chiêu thức mà những đường dây, ổ nhóm tín dụng đen áp dụng để câu nhử và ép con nợ đã ở một “tầm cao” mới.

Ngày 17.8, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt tạm giam đối tượng Bùi Thanh Nguyên (21 tuổi, trú tại phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) để điều tra, làm rõ về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Nguyên cho một cô bé 14 tuổi vay 45 triệu đồng và ép nạn nhân thế chấp bằng 3 đoạn clip và một ảnh nóng. Khi không trả được tiền do lãi cao, Nguyên đã gửi số clip, ảnh này cho gia đình cô bé.

Đáng chú ý, hình thức ép con nợ chụp ảnh, quay clip khỏa thân để “thế chấp” đã và đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều nạn nhân dù biết, khi chấp nhận gửi ảnh, clip cho chủ nợ, họ sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro, nhưng vì nhiều người vẫn chấp nhận rồi sau đó tìm mọi cách xoay tiền để trả gốc và tiền lãi cắt cổ, nếu không, hình ảnh nhạy cảm của họ sẽ bị tung lên mạng.

“Tàn khốc” là từ mà đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dùng để nói về những hành vi đòi nợ của các đối tượng cho vay nặng lãi.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng để lùi tín dụng đen, thì việc phát triển thẻ tín dụng nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng là một trong những giải pháp hữu hiệu.

Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến hết tháng 6.2021, Việt Nam mới có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng phát hành bởi gần 40 Tổ chức phát hành.

Lượng thẻ ghi nợ lớn hơn so với thẻ tín dụng, và trong đó, lượng thẻ tín dụng nội địa còn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Người dân, đặc biệt là giới công nhân gần như vẫn chưa có khái niệm về thẻ tín dụng nội địa.