10:22 09/05/2012

Tìm thuốc chữa bệnh “ngại” công bố thông tin

Khánh Hà

Hàng ngàn lượt công văn đi lại để thúc bách doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin chứng tỏ ý thức đối phó vẫn còn nặng

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị doanh nghiệp niêm yết tổ chức ngày 8/5 tại Hà Nội.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị doanh nghiệp niêm yết tổ chức ngày 8/5 tại Hà Nội.
Số liệu được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố hôm qua cho thấy chỉ trong năm 2011, Sở đã phải gửi tới 2.335 lượt công văn nhắc nhở công ty niêm yết công bố thông tin định kỳ. Điều này cho thấy phản ứng của doanh nghiệp với việc công bố thông tin vẫn chủ yếu mang tính đối phó.

Báo cáo của HNX tại hội nghị doanh nghiệp niêm yết ngày 8/5 ghi nhận sự tiến bộ nhất định trong việc tuân thủ các quy định công bố thông tin của doanh nghiệp. Tuy nhiên những con số cụ thể vẫn phản ánh một thực tế là ngay cả những quy định rất rõ ràng trong các văn bản pháp luật áp dụng từ lâu vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Cụ thể, HNX cho biết trong năm 2011, đã phải gửi 2.335 lượt công văn nhắc nhở công ty niêm yết công bố thông tin định kỳ; 60 trường hợp công bố thông tin theo yêu cầu; 308 trường hợp giải trình số liệu chênh lệch trước và sau kiểm toán; 235 trường hợp giải trình vi phạm công bố thông tin; 313 trường hợp giải trình nghĩa vụ báo cáo và giao dịch của cổ đông.

Như vậy tính chung đã có hàng ngàn lượt công văn đi lại để nhắc nhở doanh nghiệp và cá nhân tuân thủ những quy định mà đáng lẽ chính các đối tượng đó phải có nghĩa vụ nhận biết và thực hiện một cách tự giác. Một trong những nguyên nhân được đưa ra tại hội nghị là do khâu lưu chuyển công văn qua đường bưu điện mất khá nhiều thời gian, thậm chí còn xảy ra thất lạc. Đây cũng là động lực để HNX xây dựng hệ thống quản lý thông tin công ty (CIMS) và chính thức khai trương ngày 8/5 vừa qua.

Thông tin từ HNX cho biết hệ thống này sẽ cung cấp phương tiện để các doanh nghiệp niêm yết tự báo cáo và công bố thông tin qua mạng. HNX kỳ vọng đây sẽ là giải pháp để việc công bố thông tin ra thị trường nhanh chóng, chính xác, hạn chế sai sót, giảm thiểu thủ tục hành chính, xây dựng dữ liệu đồng bộ.

Được biết hiện đã có 355/396 doanh nghiệp được đào tạo sử dụng CIMS, trong đó 260 công ty đã đăng ký sử dụng. HNX dự kiến “phủ sóng” hệ thống tới 100% công ty niêm yết của Sở vào cuối năm 2012. Trao đổi tại hội nghị, một số doanh nghiệp  niêm yết đang sử dụng CIMS như đại diện SHB, PVI đều đánh giá cao tính linh hoạt, tiện lợi của hệ thống, giúp giảm tải các thủ tục giấy tờ và tốc độ rất nhanh.

Tuy nhiên, việc ra đời một hệ thống quản lý thông tin điện tử chỉ là sự thay đổi phương tiện. Vấn đề quan trọng hơn là ý thức của các doanh nghiệp. Thị trường đã chứng kiến rất nhiều tình trạng chây lỳ, chậm công bố thông tin từ doanh nghiệp hàng tuần lễ so với thời hạn quy định. Sự chậm chễ này không thể đổ lỗi cho thủ tục hành chính, và càng không thể đổ lỗi cho những yếu tố “trời ơi” như lãnh đạo đi công tác, máy tính hỏng, thay đổi nhân viên kế toán, thậm chí cả kế toán… nghỉ đẻ!

“Đây không phải là các lý do bất khả kháng và không được chấp nhận”, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán xác nhận. “Vừa qua nhiều doanh nghiệp chậm chễ công bố thông tin định kỳ nên việc thay đổi ý thức cần thời gian, đi kèm hướng dẫn chi tiết và chế tài xử phạt”, ông Sơn cho biết thêm.

Một trong  những vấn đề liên quan đến việc chậm công bố thông tin của doanh nghiệp là giải trình chênh lệch số liệu. Đại diện Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVS) cho biết bản thân BVS thời gian qua cũng phải thực hiện giải trình việc này. Việc chênh lệch số liệu giữa báo cáo tài chính do doanh nghiệp lập và báo cáo kiểm toán là điều hiển nhiên, nên cần có quy định chênh lệch bao nhiêu thì phải giải trình để tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, không phải chờ hai Sở gửi văn bản yêu cầu.

Quy định hiện tại mới yêu cầu doanh nghiệp giải trình chênh lệch kết quả kinh quanh quý so với cùng kỳ, nhưng chênh lệch kiểm toán lại chưa quy định. Tình trạng chênh lệch số liệu sau kiểm toán năm nào cũng lặp lại và thậm chí ngày càng trầm trọng. Thời gian gần đây tình trạng lãi biến thành lỗ xảy ra khá nhiều, gây bức xúc lớn cho thị trường. Tuy nhiên đa số doanh nghiệp lại không chủ động giải trình chênh lệch đó, mà coi là mặc nhiên có sự chênh lệch giữa chế độ kế toán của doanh nghiệp với ý kiến kiểm toán.

Ông Sơn cho biết việc doanh nghiệp giải trình sự chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán là điều cần thiết. “Doanh nghiệp phải ý thức tự giải trình hơn là coi đó như nghĩa vụ với cơ quan quản lý, đồng thời cũng là sự tôn trọng cổ đông, nhất là khi chênh lệch lại quá lớn”.

Đại diện Vụ Quản lý phát hành, ông Bùi Hoàng Hải cũng cho rằng “quan điểm chung là đã chênh lệch số liệu thì phải giải trình. Đó không phải là nghĩa vụ của doanh nghiệp với cơ quan quản lý, mà là nghĩa vụ với cổ đông và nhà đầu tư. Vấn đề không phải là chênh lệch bao nhiêu, mà là chênh lệch đó có hợp lý hay không, có đúng quy định không”.

Những thông tin phản ánh ngược từ phía doanh nghiệp niêm yết tại hội nghị với cơ quan quản lý cũng cho thấy nhiều băn khoăn và vướng mắc trong việc công bố thông tin. Tuy nhiên khi đã có quy định thì doanh nghiệp phải tuân thủ. Các thay đổi về phương pháp công bố chỉ là mang tính kỹ thuật, quan trọng hơn là doanh nghiệp phải thay đổi phương pháp tiếp cận, không thể coi việc công bố thông tin là nghĩa vụ phải làm để đối phó. Nhà đầu tư sẽ tin tưởng hơn vào những doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch vì đó là biểu hiện của chất lượng quản trị tốt. Ngược lại, khi doanh nghiệp không tự giác, vẫn cần có những chế tài mạnh để buộc tuân thủ.

“Hiện Ủy ban đang bổ sung vào dự thảo Nghị định 85 sửa đổi liên quan đến các chế tài xử phạt vi phạm công bố thông tin, về thời điểm nộp báo cáo, công bố thông tin bất thường. Các chế tài từ chỗ cảnh báo, tạm dừng giao dịch, bị kiểm soát hoặc đình chỉ giao dịch đến cao nhất là hủy niêm yết. Kỷ luật sẽ thắt chặt hơn, giám sát chặt hơn và có chế tài xử lý nghiêm”, ông Sơn cho biết.