Tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 3,34%
Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 4, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,41 điểm phần trăm
Đây là số liệu mới nhất tính đến ngày 14/3/2021 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố tại cuộc họp thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý 1/2021
Cụ thể, về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2021 khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên tinh thần đồng hành và chia sẻ. Thống kê đến 16/4/2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020.
Trước đó, tính đến hết cuối ngày 31/3/2021, tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 2,93 so với cuối năm 2020. Như vậy, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 4, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,41 điểm phần trăm.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 2/2021 giảm khoảng 0,1%/năm so với tháng 12/2020. Tính đến 5/4/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020.
Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt. Về điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nhà Nước vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục triển khai theo định hướng tại Chỉ thị 01/CT-NHNN; chủ động, linh hoạt trên cơ sở theo dõi sát diễn biến, dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thanh khoản và duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen...