Tín hiệu phục hồi từ khối tiêu dùng là cơ sở để Việt Nam kỳ vọng vào đà bứt phá
Chính sự khó khăn của dịch bệnh Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp khối tiêu dùng thức tỉnh, khơi dậy những tiềm năng sáng tạo để chủ động thích nghi và tạo đà cho những giá trị phát triển mới...
Phát biểu tại Lễ Công bố & Vinh danh Top 10 các nhóm ngành sản phẩm - dịch vụ Tin Dùng năm 2021 do Tạp chí Kinh Tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh gây ra, các doanh nghiệp khối tiêu dùng đã cho thấy sự chủ động thích nghi để vượt "bão Covid-19".
Theo ông Lợi, tiêu dùng là một trụ cột và động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa nhưng không xuất khẩu được, không tiêu thụ được trên thị trường nội địa, thì nguy cơ doanh nghiệp ngừng hoạt động là rất lớn.
Trong bối cảnh hiện tại, việc các thương hiệu, sản phẩm thúc đẩy đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh càng mang ý nghĩa quan trọng hơn. Bởi lẽ, không có tiêu dùng, nền kinh tế sẽ không thể phát triển.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho rằng, chính sự khó khăn đó đòi hỏi các doanh nghiệp thức tỉnh và đã khơi dậy những tiềm năng sáng tạo để chủ động thích nghi, tạo đà cho những giá trị phát triển mới.
Cụ thể, nhờ tốc độ phát triển mạnh mẽ, công nghệ đã trở thành cứu cánh cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tiêu dùng để có thể duy trì hoạt động sống và làm việc, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái “đứng yên”.
Thực tế của việc đổi mới, sáng tạo dựa trên nền tảng khoa học công nghệ đã giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả kinh doanh, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, rộng rãi hơn và nhanh chóng hơn.
"Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thúc đẩy thế giới tiến tới sự phát triển nhân văn và bao trùm hơn, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường tốt hơn, cuộc sống sẽ thuận tiện hơn và do đó, chất lượng cuộc sống của con người sẽ được nâng cao", ông Lợi nói.
Nhờ vậy, thời gian qua, ngoài những thương hiệu nổi tiếng lâu bền, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là những startup mới khởi sự kinh doanh và gia nhập thị trường. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng đã mở rộng sang các nhà bán lẻ không có thương hiệu, doanh nghiệp chiết khấu và các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Nhìn chung, ông Lợi cho rằng, doanh nghiệp nào nhanh chóng chuyển đổi số trong thời gian qua cũng có lợi thế bởi quá trình xử lý kinh doanh trở nên nhanh và tinh gọn hơn. Những thay đổi này đang tạo ra sự dịch chuyển trong niềm tin của người tiêu dùng, khiến cho việc quá trình giao tiếp với khách hàng thông qua các nội dung số càng trở nên trọng yếu hơn.
Mặt khác, doanh nghiệp nắm bắt xu thế tốt, cung cấp đủ hàng hóa tới các kênh để có thể đáp ứng người tiêu dùng, không ngừng tuyên truyền các thông điệp an toàn tới nhân viên và cộng đồng sẽ dễ dàng nhận được sự tin tưởng của khách hàng.
"Những tín hiệu khả quan về phục hồi kinh tế đặc biệt từ khối các doanh nghiệp ngành tiêu dùng đã có thể thấy được, đây là cơ sở thực tiễn để chúng ta có thể lạc quan về một sự phục hồi và bứt phá trong thời gian tới", ông Lợi nhấn mạnh.
Riêng về chương trình Tin Dùng năm 2021, ông Lợi đánh giá, các doanh nghiệp được vinh danh đều đã phát huy tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực vượt qua thách thức, sáng tạo để thích nghi, ứng dụng công nghệ số tạo đà bứt tốc hướng tới các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Đặc biệt, chương trình năm nay còn bình chọn và vinh danh TOP 10 sản phẩm – dịch vụ triển vọng tương lai. Những sản phẩm – dịch vụ đã được Chương trình TechFest của Bộ Khoa học Công nghệ chọn lựa, giới thiệu và trong số đó, có rất nhiều sản phẩm đã được giải tại các cuộc tim tìm kiếm các giải pháp sáng tạo có tính bứt phá cao để phục vụ cuộc sống.
"Tôi tin tưởng, sự ghi nhận và vinh danh hôm nay, cũng sẽ là nguồn động lực quý báu để các đơn vị phát triển sản phẩm đẩy mạnh quá trình chinh phục thị trường và nhận được sự tin dùng của khách hàng", ông Lợi nói.