16:13 11/03/2024

Tín hiệu tốt về kinh tế Trung Quốc: Giá tiêu dùng tăng trở lại, xuất khẩu tăng vượt dự báo

An Huy

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng còn quá sớm để cho rằng kinh tế Trung Quốc đã đi qua giai đoạn tồi tệ nhất...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc tăng lần đầu tiên kể từ tháng 8, chấm dứt chuỗi tháng giảm liên tiếp gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một tín hiệu khả quan nữa cũng xuất hiện, khi xuất khẩu của nước này trong 2 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng vượt dự báo.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng còn quá sớm để cho rằng kinh tế Trung Quốc đã đi qua giai đoạn tồi tệ nhất.

NHỮNG TÍN HIỆU KHẢ QUAN

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố vào cuối tuần vừa rồi cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, chỉ số này trong tháng 1 ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Ngoài ra, mức tăng của tháng 2 cũng vượt xa mức dự báo tăng 0,3% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg.

Việc giá tiêu dùng hồi phục là một tin tốt đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và các nhà đầu tư vốn đang lo ngại về xu hướng giảm phát ở nước này. Nhiều tháng qua, Trung Quốc đã nỗ lực kích thích để tăng tiêu dùng và tăng giá cả trong nền kinh tế, trong bối cảnh người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng và nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn khỏi - tình trạng có thể dẫn tới một vòng xoáy giảm phát nguy hiểm.

Không giống như nhiều nền kinh tế lớn khác, trong đó có Mỹ, đang xoay sở để kiềm chế lạm phát, Trung Quốc đối mặt với một thời kỳ giảm phát kéo dài sau một thời gian ngắn giá cả tăng hậu đại dịch Covid-19. Rủi ro ở đây là giá cả đi xuống khiến người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tích trữ tiền mặt và các công ty hạn chế chi tiêu, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của NBS cũng cho thấy lạm phát lõi - thước đo đã loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng, vốn là hai nhóm dễ biến động - tăng 1,2% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong hơn 2 năm và vượt xa mức tăng chỉ 0,4% trong tháng 1.

Cùng với dấu hiệu của sự khởi sắc nhu cầu tại Trung Quốc, số liệu do Tổng cục Hải quan nước này công bố vào tuần vừa rồi cho thấy tín hiệu khởi sắc ở thị trường nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 1,9% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Ngoài ra, nhập khẩu tăng 3,5%, so với mức dự báo tăng 1,5% - cũng là một dấu hiệu của sự cải thiện nhu cầu trong nước.

Không chỉ Trung Quốc là một số nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu gồm Hàn Quốc, Đức và Đài Loan cũng đều chứng kiến xuất khẩu tăng vượt dự báo trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, các nền kinh tế ở châu Á hưởng lợi từ sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu linh kiện bán dẫn.

Tuy nhiên, việc CPI của Trung Quốc trong tháng 2 tăng có thể xuất phát nhiều từ sự gia tăng của nhu cầu trong dịp Tết cổ truyền. Bởi vậy, giới phân tích cho rằng vẫn cần thêm một thời gian nữa để xác định xem nước này đã thực sự thoát khỏi “bóng ma” giảm phát hay chưa. Ngoài ra, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc vẫn giảm 2,7% trong tháng 2, kéo dài chuỗi tháng giảm dài nhất kể từ năm 2016.

GIỚI CHUYÊN GIA THẬN TRỌNG

Theo ông Dong Lijuan, trưởng thống kê của NBS, sự bùng nổ của hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ lễ đã thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng của giá tiêu dùng. Về giá sản xuất giảm, ông Dong cho rằng một phần là do hoạt động sản xuất công nghiệp tạm dừng trong thời gian nghỉ lễ.

“Tôi nghĩ còn quá sớm để kết luận rằng giảm phát ở Trung Quốc đã kết thúc. Nhu cầu trong nước vẫn còn khá yếu. Cần có thời gian để các biện pháp kích thích tài chính ngấm vào nền kinh tế và giúp nhu cầu phục hồi”, ông Zhang Zhiwei, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, nhận định.

Tương tự, giới chuyên gia cũng thận trọng khi nhận xét về sự khởi sắc của lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc. Họ cho rằng sự phục hồi này cần duy trì để đảm bảo xuất khẩu giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng đưa nền kinh tế Trung Quốc tăng tốc.

“Số liệu xuất khẩu tốt hơn dự báo phản ánh sự phục hồi thương mại toàn cầu với lĩnh vực điện tử giữ vai trò đi đầu. Tuy nhiên, sự phục hồi cũng đến từ cơ sở so sánh thấp, vì trong 2 tháng đầu năm ngoái, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 6,8%”, theo nhà kinh tế cấp cao Xu Tianchen của công ty nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU).

“Chúng tôi nghi ngờ về sự bền vững của tăng trưởng xuất khẩu, vì các nhà xuất khẩu Trung Quốc bây giờ không còn nhiều dư địa để giảm giá nhằm giành thị phần”, nhà kinh tế về Trung Quốc Huang Zichun của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics nhận định.

Giống như nhiều nhà kinh tế khác, bà Huang cho rằng xuất khẩu Trung Quốc tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm một phần do các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này giảm mạnh giá sản phẩm để tranh thị phần. Ngoài ra, kỳ vọng về sự nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu cũng giúp cải thiện tình hình xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng triển vọng của một số nền kinh tế lớn như Đức, Anh và Nhật Bản vẫn còn khá ảm đạm.

Các báo cáo trên được đưa ra sau khi Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp hỗ trợ kinh tế bổ sung tại kỳ họp Quốc hội thường niên vào tuần vừa rồi. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay - tương tự như năm ngoái, nhưng được xem là một mục tham vọng xét trong bối cảnh hiện nay.

NỖ LỰC KÍCH CẦU CỦA TRUNG QUỐC

Trong số các biện pháp kích thích tăng trưởng mới được công bố có kế hoạch phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt kỳ hạn siêu dài và sử dụng các nguồn vốn bổ sung còn dư của năm ngoái. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu lạm phát cả năm nay ở mức khoảng 3%.

Không ít chuyên gia hoài nghi về khả năng của Chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy nhu cầu trong nền kinh tế.  Cơ sở của mối lo này là ngành bất động sản của Trung Quốc vẫn đang trong trạng thái dễ bị tổn thương và người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm nhiều hơn hơn là chi tiêu.

Số liệu kinh tế Trung Quốc gần đây vẫn có nhiều điểm gây lo ngại. Chẳng hạn, hoạt động sản xuất ở nước này trong tháng 2 giảm tháng thứ 5 liên tiếp - theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức công bố cách đây hơn 1 tuần. Số đơn hàng xuất khẩu mới mà doanh nghiệp Trung Quốc nhận được trong tháng 2 giảm tháng thứ 11 liên tiếp.

Một số chuyên gia nhận định đến cuối thập kỷ này, nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ rơi vào tình trạng trì trệ kiểu Nhật Bản, trừ khi Bắc Kinh thực hiện các bước định hướng lại nền kinh tế theo hướng tăng cường vai trò của tiêu dùng và phân bổ nguồn lực theo thị trường.

Tuy vậy, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management vẫn khá lạc quan: “Xuất khẩu tăng mạnh có thể giúp bù đắp một phần sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản. Điều này có thể củng cố niềm tin của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vào nền kinh tế trong nước. Xuất khẩu mạnh cũng sẽ hỗ trợ các mục tiêu chính sách mang tính cấu trúc của Trung Quốc như giảm bớt tình trạng nợ nần của các chính quyền địa phương”.