20:03 12/07/2013

Tín phiếu ế ẩm, tỷ giá bớt căng

Minh Đức

Một lượng lớn tín phiếu tung ra để hút tiền về nhưng “ế” phân nửa, giá USD trên liên ngân hàng đã xuống dưới trần

Diễn biến tỷ giá USD/VND từ đầu tháng 7/2013 đến nay - Nguồn: ACB.
Diễn biến tỷ giá USD/VND từ đầu tháng 7/2013 đến nay - Nguồn: ACB.
Diễn biến giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ngày 12/7 tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường. Cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước chào thầu một lượng lớn tín phiếu.

Cuối giờ sáng 12/7, lãnh đạo phụ trách ngoại hối một ngân hàng thương mại cho biết, tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường ngân hàng tiếp tục cho tín hiệu hạ nhiệt, sau thay đổi quan trọng trong ngày hôm trước, 11/7.

Các thành viên đã trở lại tham gia giao dịch, cung - cầu ngoại tệ trong hệ thống cơ bản tự cân đối được. Thậm chí cuối giờ sáng, giá USD bán ra trên liên ngân hàng lần đầu tiên sau kỳ căng thẳng vừa qua đã xuống dưới mức trần khá sâu, thấp hơn 30 VND.

Đến chiều 12/7, một số giao dịch quy mô lớn xuất hiện, giá bán ra nhích lên nhưng vẫn thấp hơn mức trần khoảng 5 - 10 VND.

Như vậy, sau khi Ngân hàng Nhà nước lên tiếng tái khẳng định cam kết giữ ổn định tỷ giá, cũng như “làm việc” với 14 ngân hàng thương mại lớn, tỷ giá USD/VND đã có những phản ứng đồng thuận và bớt căng thẳng.

Trên thị trường giao dịch với tổ chức và dân cư, các ngân hàng thương mại cũng tiếp tục hạ giá USD mua vào và giữ mức trần bán ra. Giá USD mua vào nhiều thành viên giảm thêm 10 - 20 VND so với hôm qua; giá mua tiền mặt đã xuống dưới mốc 21.200 VND, còn 21.190 VND.

Một diễn biến liên quan đáng chú ý là chiều 12/7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu lượng tín phiếu lớn. Đây là sự cụ thể hóa một nội dung trong cuộc họp với 14 ngân hàng chiều qua: tăng cường và cơ cấu phát hành tín phiếu để hút tiền đồng về, xử lý vấn đề dư thanh khoản hiện nay.

Dư thanh khoản được nhìn nhận ở lượng tiền đồng mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra trước đây với lượng lớn để mua vào ngoại tệ, đã từng được hút về phần lớn qua tín phiếu và nay lần lượt đáo hạn. Với khả năng hấp thụ của nền kinh tế còn yếu, tín dụng chưa đẩy mạnh ở diện rộng để tạo đầu ra, nên nhà điều hành tiếp tục hút về để tránh tình trạng ứ đọng tiền đồng gây áp lực tới tỷ giá.

Theo đó, quy mô đấu thầu phiên này khá lớn với 6.000 tỷ đồng tín phiếu ở 3 kỳ hạn. Tuy nhiên, tổng lượng trúng thầu chỉ được phân nửa, tức nửa còn lại “ế”.

Cụ thể, ở kỳ hạn 28 ngày chỉ có 100 tỷ đồng trúng thầu, kỳ hạn 91 ngày có 2.000 tỷ đồng và kỳ hạn 182 ngày có 828 tỷ đồng; lãi suất các kỳ hạn tương ứng là 2,5%, 4,45% và 5,5%/năm.

Nhìn vào cơ cấu kết quả đấu thầu trên, có thể bước đầu xác định lượng tiền đồng nhàn rỗi trong ngắn hạn của các tổ chức tín dụng hiện không quá lớn để có thể “chảy” vào ngoại tệ, hay gây áp lực tới tỷ giá; trong khi đó một quy mô đáng kể tiền đồng đã bị “khóa” ở tín phiếu với kỳ hạn dài hơn.

Trước mắt, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu, kết quả của các phiên sẽ cho góc nhìn đầy đủ hơn. Song, điều có thể khẳng định lúc này là nhà điều hành sẽ đẩy mạnh việc hút tiền đồng về, là một biện pháp để góp phần giữ ổn định tỷ giá. Trong khi đó, liệu pháp tăng dự trữ bắt buộc đã không được dùng, bởi có thể gây trở ngại đối với chủ trương hạ lãi suất cho vay.

Trong cuộc gặp chiều 12/7 với VnEconomy, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng cho biết, ông nhận thấy những ngày qua thực tế thị trường không quá khát cầu ngoại tệ.

“Bản thân ngân hàng mình đủ sức cân đối, nhưng nhận thấy có dấu hiệu kìm cung, tăng đầu tư vào USD nên cũng có phản ứng tương tự để phòng thủ. Với lại, lãi suất VND trên liên ngân hàng kỳ hạn ngắn chỉ một vài phần trăm, chênh với lãi suất USD không lớn, dư tiền đồng thì có thể xem xét chuyển sang USD như một hướng sử dụng vốn hoặc dự phòng”, vị lãnh đạo này nói.

Tình cờ ở cuộc gặp trên, ông nhận được báo cáo của nhân viên về giao dịch gần 70.000 USD bán ra cho doanh nghiệp. “Đây, thực tế những ngày qua bọn mình vẫn bán ra lượng khá lớn chứ không ngại, giá là 21.246 VND”, ông dẫn chứng bằng chứng từ nhân viên gửi báo cáo qua e-mail…

Trao đổi với VnEconomy, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận: “Về tình hình chung, thị trường ngoại hối đang có những diễn biến tích cực, mà thực tế cân đối cung - cầu nói chung vẫn bình thường. Tuy nhiên, vẫn phải tiếp tục quan sát cũng như triển khai các biện pháp đã trù tính, thậm chí sẵn sàng bán ra hỗ trợ nếu cầu có biểu hiện căng thẳng một cách thực chất”.