Tình hình Covid ở Israel ra sao sau 1 tháng bắt đầu tiêm nhắc lại vaccine?
Gần 1 tháng sau khi bắt đầu tiêm nhắc lại vaccine Covid-19, Israel đang chứng kiến những tín hiệu đầu tiên về tác dụng của mũi tiêm tăng cường trong việc chống lại biến chủng Delta - giới chức y tế và các nhà khoa học nước này cho hay....
Theo hãng tin Reuters, biến chủng Delta tấn công Israel vào tháng 6, đúng thời điểm quốc gia này bắt đầu hưởng lợi từ chiến dịch tiêm chủng vào hàng nhanh nhất thế giới. Với một nền kinh tế mở và hầu hết các hạn chế đã được dỡ bỏ, Israel chứng kiến số ca nhiễm mới hàng ngày tăng từ mức 1 con số vào đầu tháng 6 lên khoảng 7.500 ca mỗi ngày trong tuần trước, 600 ca trong tình trạng nguy kịch và hơn 150 ca tử vong trong tuần.
LÂY NHIỄM Ở NGƯỜI TỪ 60 TUỔI TRỞ LÊN BẮT ĐẦU GIẢM
Hôm 30/7, Israel bắt đầu tiêm mũi thứ ba vaccine Pfizer/BioNTech cho người trên 60 tuổi, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm tăng cường vaccine Covid-19. Hôm thứ Năm tuần trước, nước này mở rộng diện tiêm nhắc lại, theo đó những người từ 30 tuổi trở lên và đã tiêm mũi thứ 2 cách đây ít nhất 5 tháng đều có thể tiêm thêm. Israel cũng tuyên bố độ tuổi của người tiêm nhắc lại có thể tiếp tục giảm xuống trong thời gian tới.
Trong vòng 10 ngày trở lại đây, tình trạng lây nhiễm Covid đã giảm xuống ở những người 60 tuổi trở lên - nhóm dân số hiện đã có hơn 1 triệu người được tiêm mũi vaccine thứ ba - theo số liệu từ Bộ Y tế Israel và các nhà khoa học được Reuters phỏng vấn.
Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (reproduction rate, tức F1 trở thành F0) ở những người từ 60 tuổi trở lên, bắt đầu giảm liên tục từ khoảng ngày 13/8 và đã xuống dưới ngưỡng 1. Điều này có nghĩa là một người mắc Covid truyền virus cho chưa đến một người khác. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát giảm dưới 1 đồng nghĩa với dịch bùng phát đang dịu đi.
Các nhà khoa học nói rằng mũi tiêm nhắc lại có tác dụng làm giảm lây nhiễm, nhưng còn có các yếu tố khác có thể đóng góp vào sự giảm này.
“Số ca mắc mới vẫn còn cao, nhưng thay đổi là tỷ lệ lây nhiễm và số ca mắc bệnh nặng đều đã giảm xuống. Tốc độ lây lan của dịch cũng chậm lại”, nhà khoa học dữ liệu Eran Segal thuộc Viện khoa học Weizmann, một cố vấn của Chính phủ Israel, cho biết.
“Đây có thể là kết quả của mũi tiêm thứ ba, cộng thêm việc những người đã tiêm mũi đầu đi tiêm mũi thứ hai, và một số lượng lớn người mắc mỗi tuần, có thể lên tới 100.000 ca, đến nay đã có miễn dịch tự nhiên”, ông Segal nói.
Sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid vào hàng cao nhất thế giới, vấn đề đối với Israel hiện nay là liệu nước này có kiểm soát được làn sóng Covid thứ tư mà không phải áp phong toả - biện pháp chống dịch gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Dữ liệu hiện cho cho thấy vaccine vẫn đạt hiệu quả cao trong việc chống lại nguy cơ mắc bệnh thể nặng, nhưng sự bảo vệ suy giảm theo thời gian. Dù vậy, giới khoa học và các cơ quan, tổ chức vẫn chưa có sự đồng thuận về sự cần thiết của mũi tiêm thứ ba. Tổ chức Y tế Thế giới cũng kêu gọi các nước giàu hoãn việc tiêm nhắc lại để nhường nguồn vaccine cho những người trên thế giới còn chưa được tiêm mũi đầu tiên.
Trong khi đó, Mỹ đã công bố kế hoạch tiêm nhắc lại cho toàn dân từ ngày 20/9. Canada, Pháp và Đức cũng có kế hoạch mở chiến dịch tiêm nhắc lại.
VẪN CẦN NHỮNG BIỆN PHÁP KHÁC BÊN CẠNH TIÊM NHẮC LẠI
Israel có dân số 9,3 triệu người, trong số này có 1 triệu người đến nay còn chưa chịu tiêm mũi đầu tiên. Trẻ em dưới 12 tuổi cũng không thuộc diện tiêm. Hôm thứ Năm tuần trước, giới chức y tế Israel cho biết đã nhận thấy có sự suy giảm miễn dịch chống Covid ở những người dưới 40 tuổi đã tiêm đủ vaccine, nhưng có rất ít người ở nhóm này bị mắc Covid thể nặng.
Theo chuyên gia Doron Gazit từ Đại học Do Thái, một thành viên của nhóm cố vấn về Covid-19 cho Chính phủ Israel, số ca bệnh nặng ở những người từ 60 tuổi trở lên đã tiêm vaccine không còn tăng trong 10 ngày trở lại đây.
“Chúng tôi cho rằng đó là nhờ mũi tiêm nhắc lại và ý thức thận trọng hơn của người dân trong thời gian gần đây”, ông Gazit nói.
Theo Bộ Y tế Israel, hơn một nửa số người trên 60 tuổi ở nước này đã tiêm mũi vaccine thứ ba.
Cũng theo ông Gazit, số ca bệnh nặng ở những người từ 70 tuổi trở lên chưa tiêm vaccine hiện cao gấp 7 lần so với ở những người thuộc nhóm tuổi tương tự đã tiêm, và khoảng cách này được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Ở nhóm 40 tuổi, chênh lệch về số ca bệnh nặng giữa những người chưa tiêm và đã tiêm là hơn 4 lần.
“Chúng tôi lạc quan, nhưng cũng rất thận trọng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Israel Nitzan Horowitz phát biểu trên đài phát thanh Kan hôm Chủ nhật. “Việc tiêm nhắc lại giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn, làm chậm sự lây nhiễm, và có thể dịch chuyển khỏi phong toả”.
Nhưng cho dù giúp làm giảm tốc độ lây nhiễm, tiêm nhắc lại cũng khó có thể chặn hoàn toàn biến chủng Delta.
Nhà khoa học dữ liệu y sinh Dvir Aran thuộc Viện Công nghệ Israel (Technion) nói rằng số ca nhiễm mới đang giảm xuống, nhưng vẫn cần có những biện pháp khác song song với tiêm nhắc lại để chống dịch. “Sẽ phải mất một thời gian dài để đạt tỷ lệ đủ dân số tiêm mũi thứ 3, và từ nay tới đó vẫn có thể có thêm hàng nghìn người bị nhiễm thể nặng”.
Từ khi biến chủng Delta xuất hiện ở Israel, nước này đã áp trở lại quy định đeo khẩu trang trong nhà, hạn chế tụ tập và đẩy mạnh công tác xét nghiệm.
“Bài kiểm tra” đối với chính sách “sống chung với Covid” của Israel sẽ đến vào tháng 9 này, khi các trường học bước vào năm học mới và mùa lễ hội của người Do Thái bắt đầu - dịp để các gia đình tụ tập cho các hoạt động chúc mừng.