17:12 24/01/2023

Tình hình quan hệ lao động ổn định trong dịp Tết

Nhật Dương

Tình hình quan hệ lao động trong dịp Tết 2023 ổn định, các cấp công đoàn đã chủ động thực hiện, phối hợp với chính quyền các cấp làm tốt việc phòng ngừa tranh chấp lao động trước Tết, qua đó giảm số cuộc ngừng việc tập thể so với dịp Tết năm 2022...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình hình quan hệ lao động trong dịp Tết 2023 ổn định, gần Tết ít xảy ra tranh chấp và ngừng việc. Các cấp công đoàn đã chủ động thực hiện, phối hợp với chính quyền các cấp làm tốt việc phòng ngừa tranh chấp lao động trước Tết, qua đó giảm số cuộc ngừng việc tập thể so với dịp Tết năm 2022. 

Nhìn chung, với sự chia sẻ của người lao động và nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người lao động của người sử dụng lao động nên tình hình tranh chấp lao động trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết năm 2023 giảm so với Tết năm 2022.

Trước Tết Nguyên đán 2023 (tính từ 1/12/2022 đến hết ngày 16/1/2023), theo báo cáo nhanh của các địa phương, cả nước xảy ra 17 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 6 tỉnh, thành phố, giảm 17 cuộc so với dịp Tết năm 2022 (xảy ra 28 cuộc).

Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp, ngừng việc là do doanh nghiệp chậm trả lương, người lao động không đồng tình với mức thưởng Tết, chất lượng bữa ăn ca, thái độ của quản lý đối với người lao động. Một số doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm đến người lao động, nhất là người lao động có hoàn cảnh khó khăn; chưa phối hợp, tham khảo ý kiến tổ chức công đoàn về hình thức trả lương, thưởng Tết và công bố công khai cho người lao động được biết.

Trước tình hình trên, tổ chức công đoàn đã chủ động phối hợp cùng với các cơ quan chức năng giải quyết. Kết quả, với sự vận động, thuyết phục của tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng, trên tinh thần chia sẻ giữa người lao động và người sử dụng lao động để doanh nghiệp ổn định sản xuất, toàn bộ người lao động đã trở lại làm việc.

Doanh nghiệp có chính sách để giữ chân, thu hút lao động. Ảnh - N.Dương. 
Doanh nghiệp có chính sách để giữ chân, thu hút lao động. Ảnh - N.Dương. 

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đánh giá rằng thị trường lao động trong năm 2022 đã phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện. Cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trong năm 2023, cụ thể là quý 1, quý 2 dự báo tình trạng thiếu lao động cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra, theo tính toán, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khoảng 350.000-400.000 lao động ở các lĩnh vực khác nhau. “Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp phải có bài toán để giữ chân, thu hút người lao động, đặc biệt, phải có bài toán để đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động, đào tạo đội ngũ có chất lượng cao, những người có kỹ năng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ở phía đơn vị kết nối tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết dựa trên phân tích cung cầu thị trường lao động qua các phiên giao dịch việc làm, nhất là dịp cuối năm 2022 cho thấy, người lao động rất quan tâm đến vấn đề tiền lương, các phụ cấp, chế độ ưu đãi khi làm việc. Việc tăng lương, phụ cấp cũng là điều mà nhiều người lao động mong chờ trong năm 2023, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp giữ chân được người lao động gắn bó lâu dài.

Khảo sát Lương 2023 do Navigos Group công bố mới đây cũng cho thấy, xét về những yếu tố mà người lao động sẽ cân nhắc khi chuyển việc, thì lương và môi trường làm việc tiếp tục là 2 sự lựa chọn chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 13,56% và 11,27%. Góp mặt trong nhóm 5 lựa chọn cao nhất còn có yếu tố văn hóa doanh nghiệp với 8,14%, sự thăng tiến trong công việc với 7,33%, và cơ chế thưởng với 6,09%.

Người lao động cũng có kỳ vọng khá cao về mức thu nhập thay đổi khi chuyển việc. Cụ thể, họ kỳ vọng mức tăng ít nhất 30% và ít nhất 20% so với thu nhập bình quân đứng vị trí thứ nhất và thứ hai trong tổng kết quả ghi nhận được, lần lượt chiếm tỷ lệ là 19,33% và 19,18%.

So với số liệu về mức tăng thu nhập thực tế trong năm 2022 được cung cấp bởi người lao động tham gia khảo sát, đa số mức tăng này dao động từ 5 - 10% hoặc không thay đổi, thì những kỳ vọng vào sự tăng thu nhập khi chuyển việc từ 20% - 30% đang là những con số khá cao.

Có thể thấy, những yếu tố có thể góp phần cải thiện hiệu suất làm việc hiện nay mang tính chất quyết định đến sự gắn bó lâu dài của người lao động tại doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, trong vòng 3 - 6 tháng tới, gần một nửa số lượng người lao động tham gia khảo sát (chiếm tỷ lệ là 44,28%) chưa có ý định thay đổi công việc mới trừ khi tìm thấy cơ hội mới tốt hơn. Lựa chọn càng lâu càng tốt đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ là 16,25%. Đặc biệt, lựa chọn gắn bó với công việc từ 1 - 2 năm đứng cuối danh sách với tỷ lệ là 6,75%.

Lý giải điều này, Navigos Group cho rằng tâm lý muốn chắc chắn và an toàn đang có nhiều ảnh hưởng đến người lao động, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến chuyển như hiện tại.