Tổ chức Chữ Thập Đỏ: Đông Nam Á cần vaccine để chống làn sóng tử vong do Covid
Tránh được điều tồi tệ nhất trong đợt bùng dịch Covid vào năm ngoái, nhưng Đông Nam Á đã trở thành tâm dịch toàn cầu trong những tuần gần đây, với số ca tử vong và nhiễm mới cùng tăng vọt...
Các nước Đông Nam Á cần thêm sự giúp đỡ để có được vaccine Covid-19, trong bối cảnh khu vực này đang vật lộn với số ca nhiễm mới và tử vong kỷ lục do biến chủng Delta - Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) nhận định trong một tuyên bố ra ngày 18/8.
Tránh được điều tồi tệ nhất trong đợt bùng dịch Covid vào năm ngoái, nhưng Đông Nam Á đã trở thành tâm dịch toàn cầu trong những tuần gần đây, với số ca tử vong và nhiễm mới cùng tăng vọt. Hệ thống y tế mong manh của khu vực đang bị đẩy tới bờ vực suy sụp trong lúc chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp mà nguyên nhân chủ yếu là không có đủ vaccine để tiêm.
“Làn sóng Covid-19 lần này do biến chủng Delta đang gây tổn thất đau thương đối với nhiều gia đình ở Đông Nam Á, và chưa biết bao giờ mới kết thúc”, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IFRC, ông Alexander Matheou, nói trong tuyên bố.
Tuyên bố này nhấn mạnh rằng hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, đều lập kỷ lục về số ca nhiễm mới hoặc số ca tử vong do Covid-19 trong những tuần gần đây.
Malaysia ngày 18/8 báo cáo 22.242 ca nhiễm Covid mới, một con số kỷ lục. Thái Lan cùng ngày công bố 312 ca tử vong do Covid, đánh dấu ngày kỷ lục thứ hai liên tiếp. Indonesia ghi nhận 1.128 ca tử vong, đã giảm từ mức kỷ lục trên 2.000 ca trong một ngày vào tháng trước, nhưng vẫn là con số tử vong cao nhất thế giới.
Nhiều quốc gia trên thế giới như Canada, Tây Ban Nha và Anh đã tiêm đủ vaccine Covid cho hơn 60% dân số. Ở Mỹ, tỷ lệ này đạt hơn 50%. Tuy nhiên, các nước ở Đông Nam Á đang bị tụt lại rất xa, theo dữ liệu của hãng tin Reuters.
Chẳng hạn, Indonesia và Philippines, hai nước đông dân nhất Đông Nam Á, mới tiêm đủ cho khoảng 10-12% dân số. Đối với Việt Nam, tỷ lệ được Reuters ghi nhận là chưa đầy 2% dân số được tiêm đủ.
“Trong ngắn hạn, chúng ta cần nỗ lực lớn hơn rất nhiều từ các nước giàu để khẩn cấp chia sẻ hàng triệu liều vaccine thừa của họ với những nước ở Đông Nam Á”, ông Matheou nói. Ngoài ra, ông Matheou cũng cho rằng các công ty vaccine và chính phủ cũng dần chia sẻ công nghệ và tăng sản lượng.
“Những tuần tới đây sẽ là khoảng thời gian rất quan trọng để đẩy mạnh điều trị, xét nghiệm và tiêm chủng, ở tất cả mọi nơi trên khắp các quốc gia trong Đông Nam Á”, ông Matheou nhấn mạnh, và nói thêm rằng các nước trong khu vực cần đặt mục tiêu tiêm đủ vaccine cho 70-80% dân số.