13:48 08/09/2008

Tôi là người quản gia!

Công ty TNHH Chuyên Việc - ProMaids hiện có gần 3.000 đơn đặt hàng người quản gia nhưng vẫn thiếu nguồn cung cấp

Công việc của một quản gia kết hợp giữa nội trợ và quản lý gia đình.
Công việc của một quản gia kết hợp giữa nội trợ và quản lý gia đình.
Họ còn trẻ, thậm chí rất trẻ khi có người mới vừa tròn 18 tuổi. Mỗi ngày làm việc tám giờ, ngoài lương căn bản khá cao, họ còn có chế độ thưởng tết, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và 12 ngày phép/năm.

Họ được đào tạo bài bản để làm một công việc đặc biệt: nghề quản gia.

Không hẹn mà gặp, soeur Lê Thị Tríu, người chịu trách nhiệm các khóa đào tạo quản gia của trường dạy nghề Phước Lộc (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và những người thành lập Công ty TNHH Chuyên Việc - ProMaids (Tp.HCM) cùng chung suy nghĩ: nhiều phụ nữ nông thôn thường phải lao động sớm ở những đô thị lớn, nơi họ có thể gặp rất nhiều bất ổn và thách thức trong cuộc sống xa gia đình.

Trong khi đó ngày càng có nhiều người cần tận dụng tối đa thời gian cho công việc, đồng nghĩa với chuyện thời gian dành cho những công việc trong gia đình ngày càng giảm.

Câu chuyện của Quỳnh

Bà Diễm Châu cho biết hiện công ty có gần 3.000 đơn đặt hàng người quản gia nhưng vẫn thiếu nguồn cung cấp.

Tất cả những người đã tham gia đào tạo, học viên các khóa học về quản gia đang cùng mơ về một ngày những người lao động này sẽ mạnh mẽ và tự tin để gõ cửa nhà gia chủ khi họ có nhu cầu với lời giới thiệu: tôi là người quản gia!

Nguyễn Thị Quỳnh, 21 tuổi, quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Sau khi rớt kỳ thi tốt nghiệp THPT, ở nhà phụ giúp mẹ cha công việc đồng áng một thời gian thì được giới thiệu vào học nghề tại Trường dạy nghề Phước Lộc.

Tháng 6/2007 Quỳnh tốt nghiệp, thử việc tại tư gia của một vị tổng giám đốc người Pháp nằm trong khu biệt thự An Phú, quận 2, Tp.HCM. Thời gian thử việc sắp kết thúc thì có sự việc xảy ra, nhưng chính nhờ khoảnh khắc ấy Quỳnh đã chính thức bước vào đời với nghề quản gia.

Hôm đó, khi chuẩn bị đi du lịch Nha Trang, không rõ người nhà của vị tổng giám đốc đã cố ý hay vô tình sau khi lấy tiền trong két sắt, cửa két sắt vẫn mở toang. Trong lúc dọn dẹp vệ sinh, Quỳnh hết sức bất ngờ và lúng túng trước tình huống này.

Gọi điện cho tổng giám đốc, nói mãi mà hai người không thể hiểu nhau bởi khi đó khả năng và kinh nghiệm giao tiếp tiếng Anh của Quỳnh chưa có. May mắn là trong đoàn khách du lịch cùng với vị tổng giám đốc có người Việt đi cùng, vào vai thông dịch viên bất đắc dĩ. Ngay sau đó vị tổng giám đốc điện thoại cho một giám đốc điều hành người Việt đang có mặt tại Tp.HCM, ông này chạy đến nhà và khóa lại két sắt cho Quỳnh.

Ngay sau khi trở về từ chuyến du lịch, một bản hợp đồng được ký ngay lập tức với thời gian hai năm, mức lương 2,4 triệu đồng/tháng. Công việc hiện tại, theo Quỳnh, là hết sức thoải mái khi hai bên đã tin tưởng nhau. Có hôm Quỳnh và vợ vị tổng giám đốc này cùng nhau đi chợ, trò chuyện cả giờ.

Không chỉ Quỳnh, những học viên đã tốt nghiệp ở trường dạy nghề Phước Lộc có lương tối thiểu 1,9 triệu đồng/tháng. Thậm chí có học viên được nhận ngay mức lương 3 triệu đồng/tháng, ăn cơm hằng ngày với gia chủ, mỗi giờ làm thêm (ngoài tám giờ quy định/ngày) như chơi với trẻ... được các gia chủ người nước ngoài trả thêm 1, 5 USD/giờ.

Làm đẹp cho đời

“Không chỉ là chuyện làm việc kiếm sống cho mình, người quản gia có thể đem đến một khung cảnh gia đình thật sự ngăn nắp, đầm ấm cho người khác, như vậy cũng mang ý nghĩa làm đẹp cho đời”, soeur Tríu tâm đắc khi nói về nghề quản gia.

Tất nhiên, để “làm đẹp cho đời”, trước khi ra trường học viên phải được trang bị đủ kiến thức như: quản lý và nấu nướng trong gia đình các món ăn Việt Nam và nước ngoài, cách bài trí, phục vụ thức ăn, vệ sinh nhà cửa, tính toán sổ sách mua sắm và chăm sóc trẻ em.

Để tăng hiệu quả trong sinh hoạt hằng ngày, học viên còn được học bổ sung tiếng Anh, văn hóa Việt Nam và các nước, đặc biệt là cả... tiếng Việt. Trước khi ra trường, tất cả học viên còn phải tham gia thực tập tại các tư gia, nhà hàng, khách sạn...

Chính yêu cầu “làm đẹp cho đời” của người quản gia mà mức độ đào thải của nghề này cũng thật khủng khiếp. Ở Trường dạy nghề Phước Lộc, nghề này được đào tạo trong một năm với yêu cầu nội trú 100%. Soeur Tríu cho biết phải mất cả năm như thế để theo dõi từng động tác, cử chỉ của học viên và nhất là “đo” sự trung thực, một trong những yêu cầu cao nhất của nghề. Vì thế dù mỗi khóa tuyển khoảng 40 học viên nhưng chỉ có khoảng 30 học viên có đủ phẩm chất và được phép ra trường.

Tương tự, bà Trần Thị Diễm Châu, phó giám đốc Công ty TNHH Chuyên Việc - ProMaids, cũng chia sẻ: “Công ty đã đào tạo khoảng 150 học viên nhưng hiện tại chúng tôi đã loại ra trên 50 người sau quá trình làm việc với nhiều lý do”. Sự loại bỏ nhằm giữ đúng giá trị của người quản gia.

Tại chung cư Hoàng Diệu, quận 4, Tp.HCM, gia đình anh chị M.Đ. - T.T. tỏ ra rất hài lòng với người quản gia trẻ tên Oanh (21 tuổi), quê Kiên Giang. Anh M.Đ. cho biết: “Điều tôi hài lòng nhất với người quản gia là sự tín nhiệm”. Anh kể chuyện có lần gia đình phải đi Hà Nội vài ngày, khi về nhà cửa được Oanh tự tìm thợ, sửa sang khiến anh chị rất hài lòng.

Chị T.T. nói: “Nhờ có Oanh, tôi được dành trọn thời gian cho công việc (kinh doanh) trong khi công việc gia đình vẫn được duy trì một cách trơn tru, kỹ lưỡng và cẩn thận”. Anh chị cho biết đang có ý định tạo điều kiện cho Oanh học thêm tiếng Anh, vi tính, phòng khi... chán nghề vẫn có thể tiếp tục cộng sự với anh chị trong công việc khác.

Tại trường dạy nghề Phước Lộc, soeur Tríu cho biết trong chương trình đào tạo nghề quản gia, học viên được tiếp cận, học và thử thách về cách “phát huy nhân bản”. Đó là: phát huy tinh thần trách nhiệm, tính năng động sáng tạo, lòng tự tin và tự trọng để xây dựng uy tín nghề nghiệp. Uy tín đó sẽ được thể hiện trong cách bộc bạch của một học viên sau khi tốt nghiệp: “Tôi là một người quản gia, không phải là ôsin”.

(Theo Tuổi Trẻ)