Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tăng trong năm 2019
Chính phủ nhận định, không gian mạng, nhất là mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động chống phá
Năm 2019 cơ quan chức năng đã khởi tố mới 65.924 vụ án, tăng 9,4% so với năm 2018.
Báo cáo tình hình tội phạm tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp sáng 3/9, sau khi nêu con số chung như trên, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh: "đáng chú ý, tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tăng 58,8%".
Số vụ án mới khởi tố trong các nhóm tội phạm khác cũng tăng, tội phạm về ma tuý tăng 12,6%, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường tăng 10,2%, tội phạm về trật tự xã hội tăng 5,4%, tội phạm về tham nhũng, chức vụ khởi tố mới tăng 3,8%.
"Đặc biệt, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng và nhà nước ta, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh.
Báo cáo cũng cho biết đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án xảy ra trong lĩnh vực quản lý, đầu tư công, với động cơ tư lợi của người có chức vụ, quyền hạn và gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Nhiều vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế với quy mô lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tiếp tục xảy ra nhiều vụ giết người thể hiện tính côn đồ, manh động, mất nhân tính, nhiều vụ vi phạm an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trước đó, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 2019 do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày cũng đưa ra nhận định: "các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá nước ta, hoạt động công khai, manh động, quyết liệt hơn. Hoạt động của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng".
Tướng Vương cho biết, không gian mạng, nhất là mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động chống phá.
Đạo đức xuống cấp một cách đáng báo động
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tuy đã được kiềm chế làm giảm về số vụ, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Toàn quốc xảy ra 39.776 vụ phạm pháp hình sự. Đáng lưu ý, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...), nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá" gây ra, gây lo lắng trong nhân dân".
Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều, nhất là tội phạm dâm ô và giao cấu với trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai. Tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, "tín dụng đen", cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê, gắn với hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo...) chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm. Tội phạm chống người thi hành công vụ tuy giảm về số vụ, song hành vi rất manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật. Tệ nạn xã hội cờ bạc, mại dâm vẫn diễn ra phổ biến ở một số địa phương.
Nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý nhiều hơn so với cùng kỳ nhưng tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội.
"Đáng lưu ý là đối tượng xâm hại phần lớn là người quen, thậm chí là ruột thịt của nạn nhân, động cơ phạm tội thấp hèn; một số vụ đối tượng phạm tội do sử dụng rượu bia...
Điều này cho thấy đạo đức xã hội, đạo đức gia đình xuống cấp một cách đáng báo động, đồng thời cũng cảnh báo về công tác phòng ngừa xã hội còn chưa tốt, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận định, tình trạng mua bán người vẫn rất phức tạp, nhất là ở những địa bàn miền núi, khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng việc phát hiện, ngăn chặn không được nhiều. Nạn môi giới mua, bán bộ phận cơ thể người, mang thai hộ vì mục đích thương mại đang diễn biến phức tạp, nhưng đến nay vẫn chưa có đánh giá một cách tổng thể về loại tội phạm này và các biện pháp để phòng ngừa hiệu quả.