"Tối ưu công nghệ để con người trở thành trung tâm của sự phục vụ thuận tiện, chất lượng"
Tới đây, Việt Nam sẽ nỗ lực để các dịch vụ công đơn giản các quy trình và thủ tục hành chính hơn nữa
Sáng ngày 10/12/2019, Thời báo Kinh tế Việt Nam và Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) đã chủ trì tổ chức Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 với chủ đề "Chuyển động cùng công nghệ chip" (EPF 2019).
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Giáo sư Đào Nguyên Cát, Phó chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam - Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, cho biết, thế giới đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, là sự phát triển đột phá về công nghệ.
Nhận thức khá sớm về cuộc cách mạng lần này, ngay từ thời điểm 2016-2017, trên tất cả các mạng tìm kiếm thông tin, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng tìm kiếm và nhắc tới cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều nhất. Điều đó để thấy rằng, Việt Nam rất nhậy cảm với thời cuộc, với sự vận động và phát triển.
"Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam phải không ngừng nỗ lực để bắt kịp và đi trên hành trình của chuyến tàu 4.0. Khoa học công nghệ, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn… sẽ là cơ hội để các nước nghèo, các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam nắm lấy và thay đổi vận mệnh của mình", Giáo sư Đào Nguyên Cát nêu rõ.
Giáo sư Đào Nguyên Cát cũng cho biết, ông đang thấy một Chính phủ chuyển động mạnh mẽ và sáng tạo. Một Chính phủ không ngừng kiến tạo, hành động và hành động quyết liệt. Với tính thần đó, các ngành, các cấp cũng đang vào cuộc mạnh mẽ, tạo nên các xung lực và sức mạnh cộng hưởng thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển. Ngành tài chính ngân hàng mang trọng trách là huyết mạch của nền kinh tế, cung ứng những dịch vụ thiết yếu và nền tảng, thúc đẩy cho các ngành kinh tế phát triển.
Kinh tế số, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu của thời đại. Do đó, áp lực đổi mới để cập nhật công nghệ mới trong các dịch vụ tài chính ngân hàng, đã và đang thể hiện sự chủ động và tích cực của hệ thống các ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính, phi tài chính tại Việt Nam hiện nay.
Gần đây người dân Việt Nam đã chứng kiến sự vận hành của Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ không giấy tờ. Tới đây, Việt Nam sẽ nỗ lực để các dịch vụ công đơn giản các quy trình và thủ tục hành chính hơn nữa, như ngành giáo dục sẽ triển khai thu phí điện tử trên toàn hệ thống; ngành y tế sẽ không còn bệnh án giấy; ngành giao thông sẽ phải áp dụng đồng bộ và rộng rãi thu phí điện tử tại tất cả các trạm giao thông quốc lộ và giao thông nội đô, để tránh ùn tắc, tiết kiệm được nhiên liệu và hạn chế khí thải ra môi trường; xây dựng thành phố thông minh... ở đó, phải tích hợp tối ưu các giải pháp khoa học công nghệ để con người trở thành trung tâm của sự phục vụ thuận tiện và chất lượng.
Giáo sư Đào Nguyên Cát tin rằng, giải pháp công nghệ để triển khai các nhiệm vụ này đều không khó, vấn đề còn lại là con người, là cơ chế, là sự sẵn sàng hợp tác, kết nối cùng vận hành.
Công nghệ được tạo ra để thúc đẩy sự phát triển và phục vụ cuộc sống. Thanh toán điện tử không chỉ giúp hoạt động sống thuận tiện hơn, minh bạch hơn mà trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Thanh toán không dùng tiền mặt đã được Chính phủ đặt ra mục tiêu và các lộ trình cụ thể. Đây là nhiệm vụ chính trị, là yêu cầu phải thực hiện để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong tiến hành hội nhập sâu rộng và toàn diện.
Vì tất cả những vấn đề đặt ra, hội tụ trong chủ đề của diễn đàn này, Giáo sư Đào Nguyên Cát tin rằng, đó là lý do, là ý nghĩa và là giá trị để các khách mời có mặt ở đây hôm nay.
"Kết quả trao đổi và thống nhất của diễn đàn này, sẽ mang giá trị thông tin rất lớn để khép lại một năm nỗ lực và tự hào của tất cả chúng ta, và cùng chào đón năm 2020 khởi sắc và thịnh vượng", Giáo sư Đào Nguyên Cát hy vọng.