06:00 07/11/2023

Tối ưu hóa cấu trúc và hoạt động chức năng y tế cơ sở

Lý Hà

Mới đây, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 25-CT/TW yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cùng ngành Y tế hoàn thiện, nâng cao chất lượng y tế cơ sở… Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy.vn đã có cuộc trao đổi với  PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, xung quanh Chỉ thị này...

Theo PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, những nội dung mới trong Chỉ thị 25 của Ban Bí thư tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới...

Mới đây, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 25-CT/TW với nội dung yêu cầu “củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở”. Xin bà cho biết lý do của yêu cầu này là gì?

Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, công tác y tế cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng, mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và được vận hành với hiệu quả ngày càng cao. Nhờ vậy, mạng lưới y tế cơ sở đã  góp phần quan trọng giúp các chỉ số sức khỏe cơ bản của Việt Nam cao hơn các quốc gia có cùng mức thu nhập.

Tuy nhiên, mạng lưới y tế cơ sở nội tại vẫn còn nhiều hạn chế, đó là: mô hình tổ chức chưa ổn định; năng lực cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong tình huống khẩn cấp của dịch bệnh, chất lượng dịch vụ còn thấp;

Nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế chưa đảm bảo; chính sách, chế độ lương, đãi ngộ cho nhân lực y tế chưa thỏa đáng, chưa thu hút được cán bộ y tế có trình độ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở;

Công tác phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, quản lý sức khỏe người dân, phát hiện bệnh sớm và quản lý bệnh còn hạn chế; người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ nên vượt tuyến, gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên...

Ngoài ra, hệ thống y tế của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: tốc độ già hóa dân số nhanh, sự thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng bệnh không lây nhiễm và nguy cơ ngày càng cao của các dịch bệnh mới, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, đô thị hóa tới sức khỏe...

Tối ưu hóa cấu trúc và hoạt động chức năng y tế cơ sở - Ảnh 1

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng cao, thu nhập người dân tăng,  nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng ngày càng cao và đa đạng hơn.

Các hạn chế và thách thức nêu trên cũng là những yêu cầu đặt ra đòi hỏi chúng ta phải giải quyết. Cách lựa chọn thông minh là phải củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, để y tế cơ sở có đủ năng lực cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản với ưu thế vượt trội về diện bao phủ, sự công bằng, hiệu quả về chi phí; đây là điều hết sức cần thiết trong tình hình mới.

Chỉ thị số 25-CT/TW đã đề ra những nhóm giải pháp nào để ngành Y tế  “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở”, thưa bà?

Chỉ thị số 25-CT/TW đã đề ra những  nhiệm vụ, giải pháp với quan điểm xem y tế cơ sở là nền tảng để các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị. Có thể tóm tắt thành bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Một là, nhóm giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, trong đó nhấn mạnh tới sự nhận thức về y tế cơ sở, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra,… trách nhiệm của người đúng đầu; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.

Cơ sở thực hiện nhóm giải pháp này xuất phát từ những cam kết chính trị với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của Việt Nam với quốc tế, cũng như kinh nghiệm thực tế tại nước ta về công tác y tế cơ sở; đồng thời, phản ánh tầm nhìn mới có tính chất toàn cầu đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đây là điểm mới.

Hai là, nhóm giải pháp nhằm mở rộng hơn phạm vi của y tế cơ sở, trong đó đặc  biệt chú ý tới y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế dự phòng, kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân.

Mô hình tổ chức, quản lý đối với trung tâm y tế cấp huyện thống nhất theo hướng chịu sự quản lý toàn diện của Ủy ban Nhân dân cấp huyện, y tế trường học, y tế cơ quan, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất; sắp xếp trạm y tế theo quy mô dân số, không nhất thiết theo địa giới hành chính. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất căn cứ quy mô lao động, điều kiện thực tiễn và nhu cầu để thành lập cơ sở y tế phù hợp.

 Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 1 tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM)
 Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 1 tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM)

Nhóm các giải pháp này cũng là điểm mới, giúp tạo không gian để giải phóng các tiềm năng của xã hội hướng tới phục vụ mục tiêu duy trì, nâng cao sức khỏe cũng như chăm sóc sức khỏe ở cấp độ cơ bản.

Ba là, nhóm giải pháp đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Trong đó nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, đồng thời gắn với đổi mới cơ chế tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở bằng việc thực hiện chính sách đào tạo nhân lực; chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ; chính sách thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở; chinh sách luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở.

Bốn là, đổi mới phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng. Ưu tiên phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thiết lập hệ thống chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…

Điểm mới của giải pháp này là sự ưu tiên chuyển đổi phương thức chăm sóc sức khỏe, chuyển đổi mô hình cung ứng dịch vụ y tế cơ bản cũng như sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với cộng đồng dân cư và các thành tố khác của hệ thống y tế.

Thưa bà, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư yêu cầu “củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở” trong tình hình mới, nhưng qua các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Chỉ thị đưa ra lại toát ra cách nhìn, cách tư duy, cách tiếp cận  khác trước. Xin bà nói rõ thêm?

Đúng là như vậy, Chỉ thị số 25-CT/TW trước hết khẳng định công tác chăm sóc sức khỏe, y tế cơ sở được coi là ưu tiên hàng đầu. Đây vừa là ưu tiên dài hạn vừa là ưu tiên bức thiết cần giải quyết ngay. Cách tiếp cận khác trước đó chính là sự đổi mới về tư duy, quan niệm đầu tư… cho y tế cơ sở.

Thứ nhất, về phương thức chăm sóc sức khỏe: chuyển từ trọng tâm giải quyết bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe toàn diện, lồng ghép và liên tục suốt đời, chú trọng giải quyết các vấn đề nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Thứ hai, về đầu tư cho y tế cơ sở: chuyển từ quan niệm trước đây coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu không đòi hỏi nhiều kinh phí (đầu tư rẻ tiền) sang quan điểm coi đầu tư này đòi hỏi kinh phí đầu tư tương xứng với tư duy đây là phương thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất tới sức khỏe người dân.

Thứ ba, cách tiếp cận mang tính hệ thống: không chỉ chú trọng các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở mà cần chú ý sự cân bằng tổng thể của hệ thống y tế cũng như sự tương tác của hệ thống y tế với những ngành, lĩnh vực khác cũng như với cộng đồng.

Sự đổi mới về tư duy sẽ tạo ra tầm nhìn chiến lược cũng như tạo ra xung lực mới để củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, qua đó giúp mạng lưới y tế cơ sở tối ưu hóa cấu trúc và hoạt động chức năng, trong đó có chức năng rất quan trọng là người gác cổng của hệ thống y tế.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45-2023 phát hành ngày 06-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tối ưu hóa cấu trúc và hoạt động chức năng y tế cơ sở - Ảnh 2